Bệnh thường gặp, nhiều hệ lụy
COPD là một trong các bệnh lý hô hấp thường gặp và gây ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới.
Tại Việt Nam, gánh nặng COPD tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới do gia tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ COPD và tình trạng già đi của dân số. Được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, việc lựa chọn liệu pháp điều trị hợp lý cho căn bệnh này vẫn còn nhiều thách thức.
Cứ mỗi 100 người Việt Nam sẽ có 2 - 6 người có bệnh COPD. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh là hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, bụi nghề nghiệp trong thời gian dài…
Người mắc bệnh ở giai đoạn I và II thường có các biểu hiện chính như ho kéo dài, khạc đờm kéo dài, có thể xuất hiện khó thở khi gắng sức.
Sang giai đoạn III và IV, COPD đã ở thể nặng hoặc rất nặng. Bệnh nhân có khó thở khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục. Tình trạng của bệnh nhân có thể xấu đi khi mắc phải các đợt kịch phát của bệnh. Các biểu hiện phù chân, tím môi... có thể xuất hiện kèm với giai đoạn nặng 1
Mặc dù là bệnh có thể dự phòng và điều trị được, nhưng việc có thể tránh tối đa tiếp xúc các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào, môi trường ô nhiễm trong và ngoài nhà còn nhiều hạn chế.
Người bệnh cần phải đi khám ngay nếu mắc phải các dấu hiệu như ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng. Giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sao cho thông thoáng, ít khói bụi cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe người bệnh. Hơn nữa người bệnh cần phải chủ động tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tập thở và giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ.
Xu hướng cá thể hóa trong điều trị COPD
Nhằm cập nhật các kiến thức lâm sàng trong việc quản lý và điều trị COPD, Hội Hô Hấp Việt Nam, Hội Hô Hấp TpHCM đã phối hợp VPĐD GSK tại Việt Nam tổ chức buổi hội thảo khoa học thường niên với chủ đề “Cá thể hóa điều trị COPD” lần lượt tại Hà Nội và TP.HCM để các chuyên gia y tế đầu ngành cùng chia sẻ các hướng dẫn điều trị hiện nay với khuyến cáo nên cá thể hóa điều trị, và kết hợp liệu pháp dùng thuốc với không dùng thuốc để tối ưu hóa hiệu quả kiểm soát và điều trị COPD.
COPD là bệnh mạn tính với nhiều biểu hiện kiểu hình khác nhau, nên việc chẩn đoán và phân loại đúng bệnh là rất quan trọng và cần thiết để có chiến lược điều trị thích hợp theo từng cá thể bệnh nhân.
COPD cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh về tim mạch, loãng xương hoặc thậm chí là ung thư phổi ở người bệnh, điều này kéo theo sự suy giảm chất lượng sống của bệnh nhân, gây nhiều tốn kém về chi phí y tế cũng như tổn thất về sức lao động của toàn xã hội.
Phần lớn người mắc bệnh đều e ngại chi phí điều trị và nhanh nản lòng, nên việc điều trị cũng bị dang dở, điều này như một sự nhắc nhở với ngành y tế đó là cần phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về COPD với người dân hơn, để họ nhận biết được tình trạng bệnh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bằng cách tầm soát, chẩn đoán và tiên lượng bệnh theo hướng cá thể hóa, thuốc điều trị đã được lựa chọn phù hợp theo từng bệnh nhân. Điều này giúp tránh việc cần phải đổi thuốc nhiều lần do bệnh nhân không đáp ứng. Kiểm soát bệnh tốt hơn sẽ giúp làm giảm độ nặng của bệnh nhiều hơn, từ đó góp phần giảm gánh nặng y tế, kinh tế cho cộng đồng và xã hội.
Thu Hằng