Đó là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật do Bộ Y tế đề xuất và đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Tờ trình của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2015, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 73,3 tuổi. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm còn 14,7‰ và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn khoảng 14,1%.
Việt Nam cũng đã kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn không để dịch xâm nhập và không để dịch lớn xảy ra; được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật; sự gia tăng nhanh của gánh nặng bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ về môi trường và công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn bất cập.
Bộ Y tế đề xuất 4 chính sách lớn:
Trong dự thảo tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất 4 nhóm chính sách lớn để thực hiện Luật Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật.
Thứ nhất là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó Nhà nước, cơ sở y tế không phải tăng chi kinh phí cho các hoạt động phục vụ việc tổ chức thực hiện chính sách mà Nhà nước còn tăng thu thuế và giảm chi từ ngân sách.
Doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí đầu tư cho việc thực hiện chính sách. Các chi phí này sẽ được tính vào trong giá thành sản phẩm và qua đánh giá cho thấy mức tăng giá của sản phẩm được người dân chấp nhận.
Theo Bộ Y tế, chính sách này cũng giúp giảm được gánh nặng về chi phí quản lý và chi phí bệnh tật cho nhà nước, tăng năng suất lao động của người dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính sách thứ hai là bảo đảm hoạt động vận động nâng cao thể lực, nhằm giải quyết các bất cập, tồn tại liên quan đến vận động thể lực và giúp cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt Nam; góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn…
Bộ Y tế tính toán, Nhà nước sẽ phải tăng đầu tư ước tính khoảng 6.000 tỷ cho 200 trường học có vị trí ở xa trung tâm huyện. Người dân có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nếu thực hiện chính sách sẽ làm tăng chi phí học phí do các trường phải chi trả thêm chi phí cho việc thuê cơ sở vật chất, giáo viên để thực hiện việc tăng thời lượng vận động; các chủ đầu tư phải tăng chi phí xây dựng cho việc bảo đảm khoảng không gian cho người dân luyện tập thể dục, thể thao tại khu dân cư.
Chính sách thứ ba là kiểm soát yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần. Trong đó, Bộ Y tế kiến nghị chọn giải pháp quy định về kiểm soát yếu tố nguy cơ tại cộng đồng, bao gồm: kiểm soát yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần liên quan đến lối sống thông qua việc ban hành các điều kiện nhằm hạn chế tiếp cận với yếu tố nguy cơ và cung cấp dịch vụ tư vấn, dự phòng và hỗ trợ.
Thực hiện chính sách này, Nhà nước sẽ phải bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng/năm cho việc cung cấp dịch vụ điều trị một số bệnh tâm thần. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách sẽ giúp Nhà nước và xã hội giảm bớt chi phí điều trị các rối loạn tâm thần mà như nghiên cứu tại Anh cho thấy chi phí cho chăm sóc sức khỏe tâm thần năm 2009-2010 là 105 tỷ bảng Anh bao gồm chi phí cho chăm sóc y tế và xã hội và chi phí mất đi trong sản xuất và chi phí nhân lực.
Chính sách thứ tư là lập hồ sơ sức khỏe đối với từng người dân. Trong đó, quy định việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân từ khi mới sinh và tích hợp dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân.
Nhà nước sẽ phải chi khoảng 11,3 tỷ đồng cho việc lập hồ sơ sức khỏe của các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng về lâu dài sẽ giảm chi từ ngân sách do tiết kiệm được các khoản chi để giải quyết hậu quả kinh tế - xã hội do bệnh tật để lại.
Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải chi khoảng 552 tỷ đồng cho việc lập hồ sơ sức khỏe của các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù vậy, việc áp dụng hồ sơ sức khỏe sẽ giúp Quỹ bảo hiểm y tế giảm chi bởi khi người dân có hồ sơ sức khỏe thì mọi thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe sẽ được thể hiện trong hồ sơ.
Mặt khác sẽ giúp hỗ trợ việc phát hiện sớm bệnh tật (nếu có) và cung cấp đầy đủ các thông tin về tiền sử bệnh tật của người dân tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh.
Nguồn: Dân trí Online