Một nghiên cứu mới cho thấy nguy cơ bị trầm cảm sau sinh có thể chịu ảnh hưởng của mùa sinh, cụ thể là những bà mẹ sinh con vào mùa hè và mùa thu có nguy cơ lớn nhất.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng những phụ nữ không gây tê khi sinh có nguy cơ trầm cảm sau sinh (PPD) cao hơn, trong khi những phụ nữ sinh ở tuần thai muộn hơn sẽ có nguy cơ thấp hơn.
Bs. Jie Zhou thuộc Bệnh viện Brigham & Phụ nữ ở Boston, MA và các đồng nghiệp tin rằng những phát hiện của họ có thể giúp phụ nữ giảm nguy cơ PPD bằng cách giải quyết một số yếu tố nguy cơ đã được xác định.
PPD không chỉ là sự buồn phiền khi có em bé. Nó được định nghĩa là cảm giác lo âu, buồn bã, và mệt mỏi cực đoan xảy ra sau khi sinh. Nếu không điều trị, những cảm giác như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của người mẹ, khiến người mẹ gặp khó khăn trong việc gắn bó hoặc chăm sóc cho đứa con. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người mẹ có thể nghĩ đến việc làm hại bản thân và con mình.
Đáng buồn là PPD khá phổ biến; khoảng 1/9 số phụ nữ Mỹ trải qua tình trạng này sau khi sinh.
Mặc dù khó xác định nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh, nhưng các yếu tố nguy cơ được biết đến bao gồm stress, tiền sử trầm cảm, đẻ non và gặp biến chứng khi mang thai hoặc khi sinh.
Nghiên cứu mới này giúp làm sáng tỏ hơn những yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của PPD, giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Sinh vào mùa đông, mùa xuân có thể làm giảm nguy cơ PPD
Tiến sĩ Zhou và nhóm nghiên cứu đã đi tới phát hiện này sau khi phân tích hồ sơ bệnh án của 20.169 phụ nữ sinh con trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 8 năm 2017. Trong số những này, có 817 người bị trầm cảm sau sinh.
Mục đích của nghiên cứu là xác định các yếu tố cụ thể có thể ảnh hưởng đến nguy cơ PPD, và nhóm phát hiện ra một số xu hướng thú vị.
Phân tích cho thấy nguy cơ PPD thấp hơn ở phụ nữ sinh con vào mùa xuân hoặc mùa đông so với những người sinh con vào mùa thu hoặc mùa hè.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng điều kiện thời tiết xấu hơn vào mùa đông và mùa xuân có thể khuyến khích những hoạt động trong nhà với em bé sơ sinh, thuận tiện và giúp người mẹ vui vẻ hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ không gây tê ngoài màng cứng hoặc sử dụng các biện pháp giảm đau khác khi sinh cũng có nguy cơ PPD cao hơn, mà nhóm nghiên cứu cho rằng có thể là do họ phải chịu đau nhiều hơn.
BMI cao có thể là một yếu tố nguy cơ
Phụ nữ sinh con ở tuổi thai muộn hơn giảm nguy cơ bị PPD, điều này không gây ngạc nhiên cho nhóm nghiên cứu.
BS Zhou giải thích "Người ta thường kì vọng rằng người mẹ sẽ làm tốt hơn và ít bị stress tâm lý hơn khi sinh con đủ tháng khỏe mạnh”.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng những phụ nữ có chỉ số BMI cao dễ phát triển PPD hơn những người có chỉ số BMI bình thường, trong khi phụ nữ da trắng có nguy cơ thấp hơn các chủng tộc khác hoặc sắc tộc khác.
Nghiên cứu đã giúp làm sáng tỏ một số yếu tố nguy cơ PPD có thể ngăn ngừa được, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở các bà mẹ sau sinh.
Theo MNT