Nguyên nhân thoái hóa khớp gối có rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến là chấn thương (thường do tai nạn giao thông) làm gãy đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày phạm khớp hoặc xương bánh chè. Kế đến, người quá mập do trọng lượng cơ thể dồn lên hai khớp gối quá nhiều, khiến sụn khớp quá tải, nhanh hao mòn và hư dần theo thời gian. Nguyên nhân nữa là do sử dụng thuốc, trong đó sử dụng thuốc corticoide không đúng cũng có thể gây thoái hóa khớp gối. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như bệnh lý bẩm sinh, do chế độ ăn uống không đủ dưỡng chất để giúp túi hoạt dịch tiết ra nhiều chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều...
Đau đớn vì những tiếng lạo xạo... vui tai
Khi mới khởi phát bệnh khớp gối chưa hư, chưa thương tổn nhiều, thường bệnh nhân chỉ có cảm giác đau thoáng qua, đau mơ hồ, đau khi đi lại hoặc sáng ngủ dậy thấy đau. Có khi triệu chứng đau tự hết khiến người bệnh không để ý. Qua giai đoạn hai thương tổn nặng hơn, dịch khớp khô, người bệnh có dấu hiệu khó khăn khi lên cầu thang, khi đi bộ đau nhiều hơn, đau liên tục, không tự thuyên giảm, phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau.
Đến giai đoạn thương tổn mô dưới sụn, hẹp khe khớp (do dịch khớp bên trong đã hao mòn quá nhiều) thì sự cọ xát của các đầu gối khi chịu lực bắt đầu gây đau, đầu gối có thể sưng một phần hoặc toàn khớp gối. Lúc này bệnh nhân đau liên tục, rất khó chịu, đêm nằm cũng nhức, đi lại cũng nhức, lên cầu thang không nổi do tình trạng khô khớp gối, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn, thậm chí nghe tiếng lạo xạo, rột roạt trong khớp. Hiện nay, bệnh thoái hóa khớp gối đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi do lối sống thụ động, ít vận động cùng chế độ dinh dưỡng không khoa học. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây tàn phế suốt đời, không thể đi lại được.
Thay khớp gối được không ?
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối hiện nay bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa khi bảo tồn không còn hiệu quả. Gần đây, sự ra đời của khớp gối nhân tạo và tay nghề của phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình được nâng cao đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối.
PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thay khớp gối là phẫu thuật cắt đi lớp sụn đầu xương đã bị hư hoại và thay vào đó là lớp mỏng kim loại bao bọc đầu xương tránh cho xương tiếp xúc trực tiếp với xương gây đau. Khớp gối nhân tạo được chỉ định thay trong những trường hợp thoái hóa khớp nặng, chân bị lệch trục, điều trị nội khoa không hiệu quả nhằm mục đích giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khớp gối nhân tạo khi thay được chia làm 2 nhóm bao gồm thay khớp gối toàn phần và thay khớp gối bán phần. Trước đây, khi chưa có phương pháp thay khớp gối bán phần, những người bị thoái hóa khớp gối thường phải chịu đựng cơn đau dai dẳng cho đến lúc không thể đi được mới được chỉ định thay khớp gối toàn phần. Khi thực hiện kỹ thuật này, những bộ phận không bị tổn thương như dây chằng chéo, khớp lành và một số phần mềm khác đều bị cắt bỏ. Đối với người bệnh còn trẻ, kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi vận động sau này. Hiện nay, phương pháp mới là thay khớp gối bán phần - chỉ thay một bên tổn thương, không phải toàn bộ mặt khớp giúp ít mất máu, bảo tồn xương nhiều hơn, phục hồi chức năng tốt hơn. Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho những người bệnh thoái hóa chỉ một khoang khớp gối.
Điển hình như trường hợp của chị Mai Thị S. (45 tuổi, ngụ Tiền Giang). Công việc của chị S. thường phải đi bộ nhiều, ngồi xổm, leo cầu thang... nên dẫn đến bị thoái hóa khớp sớm. Khi di chuyển, chị S. cảm thấy rất đau, co duỗi gối phát ra tiếng kêu lụp cụp. Cách đây 1 năm, chị S. đã thay khớp gối toàn phần bên trái với vết mổ khá dài 15 cm, 7 tuần sau mổ mới gấp duỗi gối 110 độ. Giờ đây, với phương pháp thay khớp gối bán phần, chị S. cảm thấy cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng hơn, ít đau, ít mất máu, vết mổ ở chân phải nhỏ hơn chỉ khoảng 10 cm, chỉ sau 3 - 4 tuần đã gập duỗi gối 110 độ.
Ăn uống khi bị thoái hóa khớp gối
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, người bị thoái hóa khớp gối nên ăn ít nhất 3 bữa cá 1 tuần, đặc biệt là cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, vì chúng chứa nhiều acid béo omega-3 (một chất kháng viêm rất hiệu quả). Đồng thời cũng tăng cường tiêu thụ các loại nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò, bê vì loại nước dùng này cung cấp rất nhiều glucosamin và chonroitin - những hợp chất tự nhiên cấu thành sụn. Ngoài ra, người bị thoái hóa khớp có thể bổ sung luân phiên các loại thịt heo, thịt gà, vịt, tôm, cua để chế độ dinh dưỡng thêm đa dạng.
Về thực vật nên thêm các loại ngũ cốc, đậu nành, rau xanh vào bữa ăn hằng ngày. Đây đều là những loại thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch, chống ô xy hóa rất tốt. Trái cây, nên chọn đu đủ, dứa, chanh, cam chứa nhiều men kháng viêm và vitamin C, đây là những hoạt chất tự nhiên giúp kháng viêm hiệu quả cũng như tăng cường độ dẻo dai cho các khớp. Hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, các loại thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt, đồ uống có cồn...
Nguồn: thanhnien.com.vn | Ảnh: Internet