Kiến thức y học

Những thông tin cơ bản vợ chồng bạn cần biết về thụ tinh ống nghiệm

Cập nhật lúc: 4:20:37 CH - 29/04/2022

Thụ tinh trong ống nghiệm đã và đang là một giải pháp hàng đầu cho những đôi vợ chồng hiếm muộn. Đây là một kỹ thuật y học tuyệt vời. Kỹ thuật này đã mang đến niềm vui cho biết bao gia đình hiếm muộn. Mặc dù vẫn có những hạn chế nhất định nhưng niềm hạnh phúc được ôm ấp con yêu trong tay do chính mình sinh ra là nguồn động lực to lớn không thể nào diễn tả được bằng lời

 



 

Thụ tinh ống nghiệm đã và đang là một giải pháp hàng đầu cho những đôi vợ chồng hiếm muộn. 

 

Em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm trên thế giới vào năm 1978. Tại Việt Nam, em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp này là vào năm 1998. 

 

Thụ tinh ống nghiệm là một kỹ thuật điều trị hiếm muộn. Trong đó trứng của người mẹ sẽ được lấy ra ngoài và kết hợp với tinh trùng của cha bên ngoài cơ thể, cụ thể là trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy thành phôi, thường từ 3 ngày đến 5 ngày, phôi sẽ được đưa trở lại lòng tử cung của người mẹ. 

 

Với phương pháp này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thực hiện cho những đôi vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai hoặc mang thai tự nhiên.

 

 

Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thụ tinh ống nghiệm cho những trường hợp: 

  • Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ: tổn thương, tắc, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung hay rối loạn phóng noãn, sau khi thất bại bơm tinh trùng nhiều lần, lớn tuổi.
  • Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng: tinh trùng ít, yếu, dị dạng hoặc không có tinh trùng.
  • Hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân và đã bơm tinh trùng nhiều lần nhưng không thành công.

 

 

Thụ tinh ống nghiệm được thực hiện như thế nào? 

Sau khi được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và chỉ định điều trị thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng bạn được:

  • Hướng dẫn thực hiện bổ sung một số xét nghiệm phục vụ cho việc điều trị thụ tinh ống nghiệm.
  • Khám sức khỏe tổng quát để đánh giá khả năng sinh sản của người vợ có thực hiện được thụ tinh ống nghiệm và mang thai hay không.
  • Nếu các kết quả khám sức khỏe đều tốt, bác sĩ sẽ tiến hành các bước tiếp theo của điều trị thụ tinh ống nghiệm.

 

 

1. Kích thích buồng trứng (kích trứng) 

 

Chu kỳ tự nhiên ở người phụ nữ chỉ có một nang noãn phát triển trong mỗi tháng. Trong điều trị hiếm muộn, bác sĩ sẽ cho người vợ dùng thuốc kích trứng để tăng số lượng nang noãn phát triển nhằm tạo được nhiều phôi để tăng cơ hội có thai cho mỗi chu kỳ điều trị.


Ngày bắt đầu điều trị thường là ngày có kinh thứ 2 hay thứ 3 của chu kỳ theo phác đồ ngắn. Một số trường hợp đặc biệt có thể tiêm thuốc chuẩn bị vào ngày thứ 21 chu kỳ kinh trong 2 tuần và tiêm thuốc kích trứng ngay sau đó theo phác đồ dài.

 

Thuốc kích trứng sẽ được tiêm liên tục mỗi ngày. Thời gian tiêm thuốc phụ thuộc phác đồ điều trị và khả năng đáp ứng tốt của cơ thể người vợ, thường trong khoảng từ 10 đến 12 ngày theo phác đồ ngắn, từ 10 đến 14 ngày theo phác đồ dài.

 

Trong thời gian tiêm thuốc, vợ chồng bạn sẽ được hẹn đến bệnh viện để thực hiện siêu âm và xét nghiệm máu để theo dõi sự phát triển nang noãn. Số lần tái khám trong một chu kỳ điều trị khoảng 3 đến 5 lần.

 

Khi nang noãn đạt kích thước theo yêu cầu, người vợ sẽ được hướng dẫn tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành, hay còn gọi là kích thích rụng trứng. Mũi thuốc này cần được tiêm đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.

 

 

2. Chọc hút trứng và lấy tinh trùng

 

Người vợ sẽ được bác sĩ chọc hút trứng qua đường âm đạo, dưới hướng dẫn siêu âm (kim sẽ được gắn vào đầu dò siêu âm đường âm đạo), khoảng 36 giờ sau mũi thuốc tiêm cuối cùng. Bạn sẽ được gây mê để không có cảm giác đau lúc lấy trứng, vì vậy bạn cần nhịn ăn uống vào buổi sáng ngày hôm đó.

  

Vào buổi sáng, người vợ được chọc hút trứng, người chồng được hướng dẫn lấy tinh trùng hoặc làm thủ tục rã mẫu tinh trùng đông lạnh trước đó. Người chồng nên kiêng xuất tinh trong khoảng thời gian 3 - 5 ngày để có kết quả tinh trùng tốt nhất cho việc điều trị hiếm muộn.

 

 

3. Thụ tinh và tạo phôi

 

Trứng và tinh trùng sau khi được lấy ra sẽ chuyển vào phòng labo tiến hành cấy để tạo phôi. Trứng sẽ kết hợp với tinh trùng bằng cách tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng (ICSI) hoặc có thể cho vào môi trường nuôi cấy có mật độ tinh trùng vừa đủ (IVF). Sau khoảng 16 đến 18 giờ sẽ được kiểm tra hiện tượng thụ tinh. Những trứng thụ tinh sẽ được nuôi cấy tiếp để phát triển thành phôi.

 

Thời gian nuôi cấy phôi bên ngoài cơ thể từ 3 - 5 ngày. Chất lượng phôi được xếp loại dựa vào những đặc điểm như số lượng phôi bào, sự đồng đều giữa các phôi bào và những mảnh vỡ bao quanh các phôi bào.

 

 

4. Chuyển phôi

 

Trong thời gian nuôi cấy phôi, bác sĩ sẽ hướng dẫn người vợ sử dụng thuốc nội tiết, thường là progesterone để chuẩn bị nội mạc tốt cho phôi làm tổ. Nếu nội mạc quá mỏng không thuận lợi cho việc làm tổ của phôi, việc chuyển phôi sẽ bị hủy và các phôi sẽ được trữ lạnh.

 

Vào ngày chuyển phôi, vợ chồng bạn sẽ được bác sĩ cho biết số phôi chuyển vào lòng tử cung cũng như số lượng phôi đạt chất lượng có thể trữ lạnh. Nếu phôi ngày 5, thường được chuyển từ 1 đến 2 phôi vào lòng tử cung của người vợ để giảm nguy cơ đa thai nên không chuyển nhiều hơn 3 phôi. Số phôi chuyển còn phụ thuộc vào tuổi của người vợ, chất lượng của phôi, phôi ngày mấy, tiên lượng đậu thai và tình huống cụ thể của vợ chồng bạn.

 

Phôi sẽ được đưa vào lòng tử cung bằng một catheter nhỏ đi qua ống cổ tử cung dưới hướng dẫn siêu âm bụng.

 

Sau chuyển phôi, người vợ sẽ nằm nghỉ và theo dõi tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS) khoảng từ 1 đến 2 tiếng. Bác sĩ sẽ tiếp tục hướng dẫn người vợ sử dụng thuốc nội tiết theo hướng dẫn cho đến ngày thử thai. Trong giai đoạn chờ thử thai, bạn nên sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh nằm bất động hay làm việc nặng, uống đủ nước và dinh dưỡng đầy đủ.

 

Thường khoảng 2 tuần, người vợ sẽ được hẹn đến bệnh viện để thử máu xác định có thai hay không. Nếu kết quả có thai, người vợ sẽ được bác sĩ tiếp tục hướng dẫn dùng thuốc nội tiết dưỡng thai trong khoảng 3 tuần.

Với thai sau điều trị thụ tinh ống nghiệm, người vợ nên thực hiện siêu âm lúc thai khoảng 6 tuần, 2 tuần sau thử thai, để xác định thai làm tổ đúng vị trí hay không.

 

 

Điều trị tiếp theo

 

Nếu còn phôi tốt trữ lạnh, vợ chồng bạn sẽ sử dụng những phôi này trong thời gian tới. Nếu sau một chu kỳ điều trị không thành công, vợ chồng bạn có thể tiếp tục chuyển phôi trữ lạnh vào chu kỳ tiếp theo hoặc bất cứ tháng nào vợ chồng bạn muốn điều trị tiếp tục. Nếu chuyển phôi thành công, những phôi trữ lạnh sẽ được sử dụng khi nào vợ chồng bạn muốn sinh thêm con. Thông thường sau 1 năm có thể chuyển phôi trữ được cho dù là sinh thường hay sinh mổ.

 

 

Tỷ lệ thành công

 

Thành công bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố nguyên nhân và tuổi người vợ có ảnh hưởng nhiều nhất. Trên thế giới, tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công khoảng 40% - 45%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này ở khoảng 35% - 40%. Tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS), thành công bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm đạt tỷ lệ cao.

 

 

Để tăng cơ hội có thai vợ chồng bạn nên chú ý chăm sóc sức khỏe:

  • Duy trì sức khỏe tổng thể thật tốt, nếu thừa cân béo phì cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thực hiện giảm cân trước khi điều trị hiếm muộn.
  • Hạn chế và không sử dụng rượu, bia vì sẽ làm giảm cơ hội đậu thai.
  • Không hút thuốc, tránh môi trường có khói thuốc lá vì hút thuốc thụ động tác hại tương tự như hút thuốc.
  • Không uống cà phê sẽ có lợi cho kết quả điều trị, uống một lượng nhỏ cũng làm giảm tỷ lệ thành công.

 

 

Nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm

 

Thụ tinh ống nghiệm là một kỹ thuật điều trị an toàn và hiệu quả. Một số rủi ro có thể gặp bao gồm: 

 

Quá kích buồng trứng: thường xuất hiện với tỷ lệ khoảng 1,3%, phần lớn ở mức độ nhẹ với triệu chứng như buồn nôn, chướng bụng hay căng tức bụng nhẹ. Một ít ở mức độ trung bình hoặc nặng cần nhập viện theo dõi điều trị với những biểu hiện như đau, chướng bụng nhiều, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi gây khó thở, tiểu ít.

 

Xuất huyết nội: có nghĩa là buồng trứng không tự cầm máu sau chọc hút trứng, cần nhập viện theo dõi và có thể phẫu thuật nội soi để cầm máu. Tỷ lệ xuất hiện rất thấp 0,01%. 

 

Đa thai: có từ 2 thai sống trở lên trong lòng tử cung, có thể xuất hiện với tỷ lệ 25%. Trong đó những trường hợp từ 3 thai trở lên nên được thực hiện giảm thai, để giảm nguy cơ cho mẹ và em bé nên chỉ để trong lòng tử cung từ 1 đến 2 thai phát triển.

 

 

Ngoài ra còn có một số rủi ro có thể gặp khác như:

  • Dị ứng, sốc phản vệ trong quá trình tiêm thuốc kích thích buồng trứng, gây mê.
  • Buồng trứng đáp ứng kém, dẫn đến ít phôi ảnh hưởng cơ hội thành công, một số ít trường hợp có thể không có trứng.
  • Rụng trứng sớm trước khi chọc hút, có thể không còn trứng hay giảm số trứng chọc hút được.
  • Chảy máu bàng quang.
  • Viêm vùng chậu.
  • Không thụ tinh, không có phôi.
  • Sẩy thai sau có thai.
  • Thai ngoài tử cung.

 

 

Sức khỏe của em bé sinh ra bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm

 

Hiện nay chưa có bằng chứng nghiên cứu khoa học để kết luận thụ tinh ống nghiệm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính, cũng như sự phát triển tâm thần, vận động của các em bé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm so với các em bé được sinh ra từ người mẹ có thai tự nhiên.

 

Đối với nguy cơ mắc bệnh về bất thường bộ nhiễm sắc thể như Down, Trisomy 13, Trisomy 18 của em bé thụ tinh ống nghiệm, người ta nhận thấy nguy cơ này cao hơn dân số bình thường, do những trường hợp thụ tinh ống nghiệm thường do người mẹ lớn tuổi. Do đó, khả năng bất thường ở em bé thụ tinh ống nghiệm có thể tăng hơn bình thường, tuy nhiên sự khác biệt không lớn.

 

 

Chi phí

 

Chi phí cho một chu kỳ điều trị thụ tinh ống nghiệm thường gồm 2 khoản chính là chi phí thuốc để kích thích buồng trứng và chi phí bệnh viện. Hiện nay, Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS) chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm có thể thay đổi tùy theo giá niêm yết của bệnh viện bao gồm thủ thuật chọc hút trứng, nuôi cấy phôi, hỗ trợ phôi thoát màng, chuyển phôi. Ngoài ra, còn có các chi phí khác như tư vấn, siêu âm, xét nghiệm máu theo dõi sự đáp ứng của nang trứng. Trong trường hợp có phôi dư đủ điều kiện trữ đông sẽ phát sinh chi phí lưu trữ. Chi phí điều trị sẽ được giải thích cụ thể cho vợ chồng bạn khi đến thăm khám và điều trị. Các chi phí liên quan đến việc xử trí hoặc điều trị các rủi ro nói trên nếu có, sẽ chi trả theo viện phí thực tế. 

 

Thụ tinh ống nghiệm là một kỹ thuật y học tuyệt vời. Kỹ thuật này đã mang đến niềm hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình hiếm muộn. Mặc dù phương pháp này vẫn có những hạn chế nhất định nhưng niềm vui không thể diễn tả và nguồn động viên lớn nhất cho những gia đình hiếm muộn được ôm trong tay những em bé đáng yêu do chính mình sinh ra thì luôn là một điều kỳ diệu. 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên môn