Tin bệnh viện An Sinh

Chúc mừng Tiến sĩ Bác sĩ Trần Đình Minh Huy

Cập nhật lúc: 11:37:15 SA - 01/03/2022

Bệnh viện An Sinh và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh chúc mừng PGS TS BS Trần Hải Yến và TS BS Trần Đình Minh Huy, một trong những bác sĩ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam ở khu vực phía Nam có bằng Tiến sĩ ở một trường nước ngoài nhưng đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Việt Nam

 



 

Bệnh viện An Sinh và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh chúc mừng PGS TS BS Trần Hải Yến và TS BS Trần Đình Minh Huy đã hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học rất danh tiếng là trường UNSW (University of New South Wales), Sydney, Australia. Một trong những bác sĩ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam ở khu vực phía nam có bằng Tiến sĩ ở một trường nước ngoài nhưng đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Việt nam.

 

Kính chúc PGS TS BS Trần Hải Yến và TS BS Trần Đình Minh Huy luôn có thật nhiều sức khỏe, luôn tràn đầy năng lượng sống, tiếp tục chinh phục và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp y khoa.

 

Bệnh viện An Sinh và Viện Nghiên cứu & Đào tạo Y Dược An Sinh xin phép được chia sẻ lại nguyên văn bài chúc mừng của PGS TS BS Trần Hải Yến, là người tiên phong và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đưa các kỹ thuật điều trị tật khúc xạ tiên tiến nhất về Việt Nam, là người thầy của TS BS Trần Đình Minh Huy.

 

 

“Chúc mừng và chào mừng một cái cây mới đơm hoa kết trái trong khu vườn! 

 

Chúc mừng Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đình Minh Huy, một trong các bác sĩ Mắt Việt nam lấy bằng Tiến sĩ của nước ngoài, tại một trường Đại học rất danh tiếng là trường UNSW (University of New South Wales), Sydney, Australia trên nền tảng hợp tác nghiên cứu giữa BHVI (Brien Holden Vision Institute) - tổ chức đi đầu thế giới về nghiên cứu và điều trị cận thị với HYEC (Hai Yen Eye Care) - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này ở Việt nam. Một điểm rất thú vị là kết quả thu được từ đề tài nghiên cứu sinh của TS Minh Huy trên nhóm bệnh nhân Việt nam dự báo sẽ ra một xu hướng điều trị kiểm soát cận thị mới trên thế giới, an toàn và hiệu quả hơn nhóm thuốc Atropine liều thấp đơn thuần trên lâm sàng hiện nay.

 

Thời gian như thoi đưa, tính từ ngày mình có đủ cơ duyên để trao cho bạn cơ hội này, thoắt cái đã chạm mốc 7 năm. Làm nghiên cứu sinh ở đâu cũng thử thách, nhưng làm nghiên cứu sinh với trường lớn nước ngoài lại lấy dữ liệu tại chỗ, bội phần khó khăn hơn. Từ việc thông qua qui trình y đức tại trường bên Úc, tại cơ sở ở bệnh viện An sinh, hội đồng y đức của Bộ y tế Việt Nam… rồi rất nhiều thủ tục, qui trình kiểm soát, thẩm định, đánh giá để có thể thực hiện một nghiên cứu đảm bảo tuân thủ các qui định nghiêm ngặt trong thu thập dữ liệu trên bệnh nhân theo đúng chuẩn của quốc tế. 

 

Câu chuyện làm nghiên cứu sinh của bạn ấy cũng đủ đầy những khúc thăng trầm, lên xuống, để ra được ngày hôm nay là cả một sự lắp ráp nghệ thuật của vũ trụ. Hai thầy trò chúng mình cũng chỉ biết nói lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các thầy, cô, đồng nghiệp, bệnh nhân, những người hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, qua những công việc có tên và không tên, những sự ủng hộ hữu hình và vô hình từ mọi mặt, mọi phía.

 

Về phía Úc, sự ủng hộ toàn diện của BHVI từ cô CEO Yvette Waddell trong việc trao học bổng, đến hướng dẫn chính là Giáo sư, Tiến sĩ Padmaja Sankaridurg người giúp chọn đề tài, thiết kế đề cương nghiên cứu, giúp vượt qua các khó khăn khác về thủ tục bên Úc. Về phía Việt nam là sự ủng hộ, hỗ trợ con đường phát triển học thuật của giảng viên đến từ các thầy cô Ban giám hiệu và Bộ môn Mắt Đại học Y dược TP HCM, hỗ trợ về mặt thủ tục và qui trình nghiên cứu, những nhận xét quý báu của Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế và các thầy cô trong Hội đồng Y đức và Viện nghiên cứu và đào tạo y dược An Sinh, của các thầy cô trong hội đồng Y đức Bộ Y tế, các thành viên của team dự án và team vận hành của HYEC đã tạo điều kiện tối đa cho bạn ấy nhiều mặt trong suốt 7 năm qua. 

 

Với mình thì quá trình song hành với bạn từ khi hướng dẫn đề tài nội trú đến nay mang cho mình nhiều trải nghiệm thú vị về sự trưởng thành của một con người. Có bằng Tiến sĩ ở tuổi 37 có thể nói là khá trẻ, nhưng với sự nghiêm túc, nhiệt tâm và làm mọi việc với nỗ lực cao nhất, không lùi bước trước các trở ngại, Huy hoàn toàn xứng đáng với thành tựu này, đó là chưa nói đến những khó khăn của 2 năm dịch COVID-19 vừa qua.

 

Mình cũng hơi bất ngờ khi kết quả nghiên cứu của đề tài lại có thể mở ra một hướng mới rất tiềm năng cho ngành Mắt thế giới trong việc điều trị cận thị. Vì yêu cầu bảo mật thông tin nên chưa thể công bố gì trong giai đoạn này, nhưng rất tự hào và cảm ơn Huy, nhờ em ấy mà tên của Việt nam có lẽ sẽ còn được nhắc đến nhiều lần khi phương thức này được phổ biến rộng rãi trong tương lai.

 

Về phần mình, vậy là đã hoàn thành một nhiệm vụ nữa với đời, trao lại một sản phẩm chất lượng cao để tiếp nối cống hiến cho đời. Bật mí là có bao nhiêu bí kíp nghề nghiệp là tớ trao hết cho anh chàng này rồi. Nên mọi người cứ yên tâm trao gửi đôi mắt mình cho TS, BS Trần Đình Minh Huy. Lớp trẻ, chỉ cần các em đi đúng hướng, kiên trì, có tầm nhìn và tận tâm, tận lực là sẽ bước những bước xa, bay ở tầm cao hơn các thế hệ đi trước.

 

Là niềm tự hào của gia đình, thầy cô, đồng nghiệp về học thuật, kỹ năng chuyên môn là điều rất đáng quí, chúc con tiếp tục sự nghiệp và vun bồi phần mềm, những điều tưởng như vô hình nhưng là giá trị cốt lõi, là nền móng cho sự phát triển vững chắc trong tương lai.” 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh

 

 

 

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]