Kiến thức y học

Mối liên hệ mật thiết giữa tăng huyết áp và đái tháo đường típ 2 (phần 3)

Cập nhật lúc: 3:07:32 CH - 25/12/2021

Tăng huyết áp và tiểu đường típ 2 đều là bệnh mạn tính do hội chứng chuyển hóa, chủ yếu liên quan đến béo phì và tim mạch. Cả tăng huyết áp và tiểu đường đều có chung một số nguyên nhân cơ bản và một số yếu tố nguy cơ.

 



 

 

Tăng huyết áp và tiểu đường típ 2 đều là bệnh mạn tính do hội chứng chuyển hóa, chủ yếu liên quan đến béo phì và tim mạch. Cả tăng huyết áp và tiểu đường đều có chung một số nguyên nhân cơ bản và một số yếu tố nguy cơ. Chúng góp phần làm tăng các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và tác động tiêu cực qua lại lẫn nhau. 

 

 

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây ra tiểu đường típ 2

Năm 2015, một bài phân tích tổng hợp trên Tạp chí Học viện Tim mạch Hoa Kỳ (JACC) đã xem xét dữ liệu của hơn 4 triệu người trưởng thành. Kết luận rằng những người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường típ 2. Sự liên hệ qua lại này có thể do các quá trình chuyển hóa trong cơ thể ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp và đường huyết.

 

 

Biến chứng tăng huyết áp cùng tiểu đường típ 2

Sự tác động kết hợp của tăng huyết áp và tiểu đường típ 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận và các vấn đề sức khỏe khác.

Có ba cách mà nồng độ đường trong máu tăng cao có thể ảnh hưởng đến huyết áp:

  • Các mạch máu mất dần khả năng co giãn.
  • Chất lỏng trong cơ thể tăng lên, đặc biệt tiểu đường típ 2 ảnh hưởng đến chức năng thận.
  • Kháng insulin liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển hóa làm tăng nguy cơ huyết áp cao. 

Kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết không chỉ ngăn ngừa các biến chứng mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể khỏe mạnh hơn.

 

 

Các yếu tố nguy cơ

Tăng huyết áp và tiểu đường típ 2 có các yếu tố nguy cơ tương tự nhau như (1) Tăng cùng tuổi tác; (2) Thể trạng thừa cân và béo phì; (3) Chế độ ăn uống không lành mạnh; (4) Lối sống không hoặc ít hoạt động thể chất; (5) Căng thẳng thường xuyên; (6) Bị rối loạn giấc ngủ; (7) Hút nhiều thuốc lá; (8) Có hàm lượng vitamin D thấp.

 

Bệnh sử gia đình cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và tiểu đường típ 2. Chúng ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tiểu đường típ 2 và tiểu đường típ 2 cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Ngoài ra, một hoặc cả hai cũng có khả năng gây ra biến chứng nghiêm trọng:

  • Đau tim hoặc đột quỵ
  • Suy giảm chức năng thận, phải lọc máu chu kỳ.
  • Các vấn đề về mạch máu trong mắt, dẫn đến suy giảm thị lực.
  • Bệnh mạch máu ngoại vi.

 

 

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ tăng huyết áp bao gồm:

  • Chế độ ăn nhiều chất béo, tinh bột, đường muối.
  • Uống nhiều rượu, bia.
  • Hàm lượng kali thấp.
  • Mắc bệnh mạn tính như hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh thận hoặc viêm khớp. 

Thiết lập và duy trì một lối sống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp phòng tránh cả tăng huyết áp và tiểu đường típ 2. Người mắc bệnh tiểu đường típ 2 có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch bằng cách khám sức khỏe tổng quát định kỳ và  kiểm soát lượng đường trong máu thường xuyên.

 

 

 

Phòng ngừa tăng huyết áp cùng tiểu đường típ 2

Một số yếu tố có thể thay đổi và một số yếu tố không thể thay đổi. Hãy phát huy tối ưu các yếu tố có thể thay đổi là bí quyết phòng tránh tăng huyết và đái tháo đường típ 2 đơn giản và hiệu quả nhất.

 

1. Giữ cân nặng hợp lý

Nếu thừa cân, béo phì hãy tích cực giảm cân, dù chỉ giảm trọng lượng cơ thể khoảng từ 3 – 5 % cũng cải thiện và giảm đáng kể chỉ số huyết áp và đường huyết.

 

2. Tập thể dục

Cơ thể được vận động thường xuyên không chỉ ổn định huyết áp và đường huyết mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tổng thể. Mọi người được khuyến khích nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc nhiều hơn tùy theo sức, có thể đi bộ và bơi lội.

 

3. Ăn uống lành mạnh

Nếu bị tăng huyết áp và tiểu đường típ 2, bạn nên hỏi ý kiến về bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp như (1) Tăng cường chất xơ, rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt; (2) Hạn chế lượng muối và đường khi nấu nướng; (3) Tránh các loại chất béo không có lợi, thay chất béo có nguồn gốc từ cá và thực vật cho chất béo có nguồn gốc từ động vật. Có thể tham khảo thêm chế độ ăn DASH.

 

4. Hạn chế rượu, bia

Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng đường huyết và tăng cân.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo, nữ giới chỉ nên uống một ly và nam giới chỉ nên uống hai ly rượu mỗi ngày. Tùy loại rượu như rượu mạnh, rượu vang… mà có thể gia giảm số lượng khác nhau.

 

5. Không hoặc bỏ hút thuốc lá

Có nhiều bằng chứng nghiên cứu khoa học chứng minh hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và tiểu đường típ 2. Người hút thuốc lá bị tiểu đường còn gặp phải các biến chứng như bệnh tim hoặc thận, bệnh võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa, máu lưu thông kém, nhiễm trùng, viêm loét chân và bàn chân, thần kinh ngoại biên, có thể gây đau dây thần kinh ở tay và chân.

 

 

 

Điều trị bằng thuốc

Ngoài các biện pháp về lối sống, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc sau:

Tăng huyết áp: Các loại thuốc ức chế ACE, thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu

Tiểu đường típ 2: Bác sĩ có thể kê đơn metformin, insulin hoặc các loại thuốc giúp duy trì ổn định đường huyết, huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng khác.

 

Các hướng dẫn hiện hành cũng khuyến nghị sử dụng một trong những loại sau nếu người tiểu đường típ 2 có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, bệnh thận liên quan đến tiểu đường hoặc cả hai.

  • Thuốc ức chế cotransporter 2 natri-glucose (SGLT2).
  • Chất đồng vận thụ thể peptide 1 (GLP-1) giống glucagon.
  • Những loại thuốc giúp bảo vệ an toàn cho tim mạch và chức năng thận bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu.

 

Tăng huyết áp và tiểu đường típ 2 thuộc nhóm bệnh mạn tính phổ biến trong cộng đồng, chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn và cần phải tuân theo việc điều trị suốt đời, nhưng chúng ta vẫn có thể chung sống an toàn. Điều quan trọng nhất vẫn là duy trì lối sống lành mạnh, vận động thể chất thường xuyên, làm việc nghỉ ngơi khoa học và đặc biệt là không được bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, khám theo lịch hẹn của bác sĩ, thường xuyên lắng nghe cơ thể, chủ động theo dõi chỉ số huyết áp và đường huyết mỗi ngày. Đó chính là bí quyết cho bạn và gia đình bạn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo Healthline.com)