Kiến thức y học

Những điều cần biết về bệnh đái tháo đường (phần 1)

Cập nhật lúc: 3:14:02 CH - 15/11/2021

Năm 2019, thế giới có 463 triệu người độ tuổi 20 – 79, tương đương 1 người trong 11 người lớn bị đái tháo đường. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, tương đương 1 người trong 10 người lớn có bệnh đái tháo đường. Tại Việt Nam, đái tháo đường dự đoán sẽ tăng lên gần 6.3 triệu vào năm 2045.

 



Năm 2019, thế giới có 463 triệu người độ tuổi 20 79, tương đương 1 người trong 11 người lớn bị đái tháo đường. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, tương đương 1 người trong 10 người lớn có bệnh đái tháo đường. Tại Việt Nam, đái tháo đường dự đoán sẽ tăng lên gần 6.3 triệu vào năm 2045.

 

Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống người bệnh đái tháo đường vào năm 1922.

 

Từ đó, Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn ngày 14/11 là Ngày đái tháo đường thế giới. Đây là hoạt động tích cực được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường và các biến chứng do đái tháo đường gây ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.

 

Đái tháo đường, còn được gọi là bệnh tiểu đường, là tình trạng rối loạn chuyển hóa không đồng nhất gây ra tình trạng làm lượng đường trong máu tăng cao. Khi bị đái tháo đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin mà nó tạo ra một cách hiệu quả. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, mọi giới như người lớn, trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai, đang có xu hướng tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.

 

Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho hệ thống thần kinh, tim mạch, chức năng thận, bệnh lý về mắt và các cơ quan khác của cơ thể. Một trong 4 bệnh không lây nhiễm phổ biến thế giới cùng với bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính và bệnh ung thư. Tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm.

 

 

Phân loại đái tháo đường

Đái tháo đường được phân thành 3 nhóm chính gồm, đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2 và đái tháo đường thai kỳ. 

Đái tháo đường típ 1 là bệnh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào trong tuyến tụy, nơi tạo ra insulin. Nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Có khoảng 10% người mắc bệnh đái tháo đường loại này. 

Đái tháo đường típ 2 là khi cơ thể trở nên đề kháng với insulin và đường tích tụ nhiều trong máu. 

Tiền đái tháo đường là nguy cơ cao đái tháo đường, khi nồng đồ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán đái tháo đường típ 2. 

Đái tháo đường thai kỳ là khi lượng đường trong máu tăng cao khi đang mang thai. Hormone ngăn insulin do nhau thai tạo ra là nguyên nhân gây ra loại bệnh tiểu đường này. 

 

Dấu hiệu phổ biến của bệnh đái tháo đường

Mỗi loại tiểu đường sẽ có những dấu hiệu nhận biết khác nhau

 

Những dấu hiệu phổ biến chung

Nhanh cảm thấy đói

Nhanh cảm thấy khát

Sụt cân hoặc tăng cân không rõ nguyên do

Đi tiểu nhiều hơn bình thường

Thị lực thay đổi

Đau tê cánh tay, bàn chân

Vết thương lâu hoặc khó lành

 

Dấu hiệu thường gặp ở nam giới

Ngoài các dấu hiệu chung, nam giới bị đái tháo đường có thể suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương và sức mạnh cơ bắp giảm. 

 

Dấu hiệu thường gặp ở nữ giới

Ngoài các dấu hiệu chung, phụ nữ bị đái tháo đường có thể gặp phải nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm nấm và da khô, ngứa.

 

Dấu hiệu thường gặp đái tháo đường típ 1

Nhanh cảm thấy đói

Nhanh cảm thấy khát

Sụt cân không rõ nguyên do

Đi tiểu nhiều hơn bình thường

Thị lực thay đổi

Cơ thể thường xuyên mệt mỏi

Đái tháo đường típ 1 cũng ảnh hưởng đến sự thay đổi cảm xúc, tâm trạng

 

Dấu hiệu thường gặp đái tháo đường típ 2

Nhanh cảm thấy đói

Nhanh cảm thấy khát

Sụt cân không rõ nguyên do

Đi tiểu nhiều hơn bình thường

Thị lực thay đổi

Cơ thể thường xuyên mệt mỏi

Vết thương chậm hoặc khó lành

Cũng có thể bị nhiễm trùng tái phát do lượng đường trong máu tăng cao khiến cơ thể khó tự chữa lành hơn.

 

Dấu hiệu thường gặp đái tháo đường thai kỳ

Hầu hết phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ không có bất kỳ dấu hiệu nào. Tình trạng này thường được bác sĩ chẩn đoán khi làm xét nghiệm đường huyết định kỳ hoặc xét nghiệm dung nạp đường từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Một số ít trường hợp, phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ cũng sẽ cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều hơn. 

Các triệu chứng lúc đầu của bệnh đái tháo đường thường nhẹ, diễn ra chậm và rất khó nhận biết. Hãy duy trì thói quen khám sức khỏe định, hỏi ý kiến và lời khuyên từ bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu phổ biến để có biện pháp phòng ngừa và điều trị sớm.

 

Bệnh viện An Sinh

Bài viết tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ