Kiến thức y học

Những điều bố mẹ cần biết khi trẻ được tiêm phòng vaccine Covid-19

Cập nhật lúc: 3:51:58 CH - 19/10/2021

Tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ là biện pháp hiệu quả và an toàn, không chỉ bảo vệ trẻ trước những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát.

 



 

Tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ là biện pháp hiệu quả và an toàn, không chỉ bảo vệ trẻ trước những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát.

 

Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ bị nhiễm Covid-19, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Nguy cơ mắc Covid-19 ở trẻ cũng cao như người lớn, đặc biệt là với biến chủng Delta. Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, tỷ lệ trẻ nhiễm Covid-19 không cao nhưng khả năng lây nhiễm trong môi trường sinh hoạt, điều kiện trường học, tập trung đông, ý thức vệ sinh là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Hầu hết trẻ khi mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ bị rất nhẹ, nguy cơ trở nặng không đáng kể. Trẻ được tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, tránh lây truyền sang các nhóm trẻ khác, giảm khả năng tạo biến chủng mới.

 

Hiện nay trên thế giới chỉ có vaccine Pfizer đã được phê duyệt và cấp phép khẩn cấp để tiêm phòng cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi. Các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như vaccine mRNA, vaccine bất hoạt... Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Theo khuyến cáo, trẻ được tiêm phòng vaccine Covid-19 sử dụng 2 liều và tiêm cùng loại vaccine.

 

 

Điều kiện để trẻ được tiêm ngừa vaccine Covid-19

  • Bố mẹ hoặc người giám hộ cần ký vào phiếu đồng ý tiêm phòng vaccine Covid-19.
  • Trẻ phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng trước tiêm vaccine, theo dõi, chăm sóc sau tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Bố mẹ chuẩn bị cho trẻ trước khi tiêm vaccine Covid-19

Trước ngày tiêm vaccine Covid-19

  • Cho trẻ nghỉ ngơi, đi ngủ sớm, tạo tâm lý thư giãn, thoải mái.
  • Trò chuyện và giải thích cho trẻ về việc tiêm phòng vaccine Covid-19, những lợi ích đối với sức khỏe ngay trong mùa dịch có diễn biến phức tạp.

 

Vào ngày tiêm vaccine Covid-19

  • Cho trẻ ăn bữa nhẹ khoảng một tiếng trước khi đi tiêm để tránh chờ lâu trẻ đói bụng.
  • Có thể cho trẻ uống viên sủi đa vitamin hoặc vitamin C, sau ăn trước khi đi tiêm.
  • Cho trẻ mặc trang phục thoải mái, rộng rãi, nên mặc áo ngắn tay.
  • Nếu không tiêm vaccine khác cùng ngày thì nên tiêm vaccine Covid-19 vào tay không thuận. Chẳng hạn như trẻ thuận tay phải thì nên tiêm vaccine tay bên trái, để giảm khó khăn trong sinh hoạt và học tập do đau, nhức mỏi cánh tay sau tiêm vaccine.
  • Mang theo sổ theo dõi sức khỏe của trẻ để bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng xem xét và chỉ định tiêm vaccine Covid-19 phù hợp.
  • Không trì hoãn những lịch tiêm vaccine khác mà trẻ đang tiêm. Mang theo sổ tiêm những vaccine khác của trẻ khi đến tiêm vaccine Covid-19.
  • Đặc biệt với trẻ em gái, nếu đến ngày hành kinh, bố mẹ cũng không nên lo lắng hay cần thiết tạm hoãn tiêm chủng, trừ trường hợp đau bụng nhiều, nôn ói, mệt mỏi kèm sốt.

 

Sau khi tiêm vaccine Covid-19

  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước sẽ giúp giảm sốt sau khi tiêm vaccine.
  • Băng keo cá nhân dán ở vị trí tiêm nên gỡ ra sau 30 phút.
  • Theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, nếu có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào phải báo ngay cho bố mẹ hoặc nhân viên y tế.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, không nên đi chơi hay tham gia vào các hoạt động thể lực khác vào ngày tiêm vaccine Covid-19. 

 

 

Bệnh viện An Sinh