Kiến thức y học

11 yếu tố nguy cơ gây ung thư có thể phòng ngừa

Cập nhật lúc: 4:33:53 CH - 09/03/2021

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh ung thư bằng cách nâng cao nhận thức về những yếu tố nguy cơ và cần hành động để tích cực thay đổi môi trường sống khỏe mạnh hơn.

 



 

Quỹ nghiên cứu Ung thư Thế giới (The World Cancer Research Fund) ước tính khoảng 20% các loại ung thư được chẩn đoán có liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì, ít hoạt động thể chất, lạm dụng bia rượu, dinh dưỡng không lành mạnh... Đây là những nguy cơ gây ung thư đứng hàng thứ hai chỉ sau hút thuốc lá. Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh ung thư bằng cách nâng cao nhận thức về những yếu tố nguy cơ và cần hành động để tích cực thay đổi môi trường sống khỏe mạnh hơn. 


 

Lạm dụng chất có cồn (rượu, bia)

Rượu được biết là nguyên nhân gây ra ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư khoang miệng, hầu họng, ung thư thực quản, ung thư gan. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm mối liên quan giữa việc uống rượu và bệnh ung thư. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo mỗi người không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày đối với nam giới và không quá 1 ly đối với nữ giới.


 

Thừa cân, béo phì

50% số người được khảo sát cho biết béo phì là một yếu tố nguy cơ ung thư. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng bởi thừa cân hay béo phì có mối liên quan rõ ràng làm tăng nguy cơ nhiều loại ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, thực quản, dạ dày…


 

Chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây

Một chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Chế độ này giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, phòng tránh được nhiều bệnh ung thư. Chắc chắn rằng không có một loại thuốc nào có thể thay thế được giá trị dinh dưỡng của những bữa ăn giàu hoa quả và trái cây tươi ngon.


Các loại thực phẩm chế biến sẵn

Năm 2015 Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization -WHO) đã đưa ra kết luận thịt qua chế biến như các loại thịt xông khói, xúc xích và các loại thịt dùng trong các bữa ăn nhanh không tốt cho sức khỏe. Cụ thể hơn, ăn quá nhiều các loại thực phẩm này làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.



Các loại thịt đỏ

Cơ quan phòng chống ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới cũng báo cáo rằng các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu) có thể là nguyên nhân gây ra ung thư. Thường xuyên sử dụng các loại thịt này tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư tụy và ung thư tiền liệt tuyến. Một số thực phẩm khác thay thế vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như ăn cá, thịt gia cầm và các sản phẩm từ ngũ cốc.



Đường

Dù các bằng chứng nghiên cứu khoa học chưa kết luận đường là nguyên nhân gây ung thư nhưng làm tăng nguyên nhân gây thừa cân béo phì. Chính điều này có thể gián tiếp gây tăng nguy cơ ung thư. Để cơ thể luôn khỏe mạnh nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường cao như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, nước có hương vị trái cây...



Hoạt động thể chất thường xuyên

Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện nồng độ hóc môn và tăng cường hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Theo khuyến cáo người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, có thể phối hợp các mức độ tùy theo thể trạng từng người.

 

Uống cà phê

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm mối liên quan giữa ung thư và việc uống cà phê. Nhiều bằng chứng cho thấy, cà phê có thể giảm nguy cơ ung thư gan, ung thư khoang miệng và hầu họng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư đại trực tràng.


 

Hút thuốc lá

Khoảng 93% đều nhận thức được thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Hút thuốc lá chiếm khoảng 30% tổng số người chết do ung thư, trong đó 80% là chết do ung thư phổi.


 

Phơi nắng hoặc hoạt động ngoài trời ở nhiệt độ cao

Tia cực tím (tia UV) phát ra từ mặt trời và các nguồn nhân tạo là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh ung thư da. Cách tốt nhất để phòng tránh là hạn chế tiếp xúc, thường xuyên kiểm tra làn da, đi khám ngay nếu có bất kỳ thay đổi nào.


 

Virus HPV (Human papilloma virus)

HPV là một loại virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục. Có thể phòng ngừa virus HPV bằng cách chích ngừa vắc xin HPV và viêm gan siêu vi B. Chủng virus HPV-16 và HPV-18 là 2 loại gây ra khoảng 70% các tổn thương ung thư và tiền ung thư cổ tử cung.


 

Duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe thường xuyên theo định kỳ và tầm soát sớm ung thư là những bước quan trọng đầu tiên trong việc phòng chống bệnh ung thư hiệu quả. 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo: Cancer.org)