Kiến thức y học

Những điều nên làm để kiểm soát huyết áp hiệu quả

Cập nhật lúc: 11:03:48 SA - 22/02/2021

Thông thường khi đi khám sức khỏe, bạn mới được bác sĩ phát hiện và chẩn đoán bị tăng huyết áp dù trước đó huyết áp vẫn đang ở trạng thái bình thường. Chuyện không hiếm, vì đó là bệnh lý phổ biến trong cuộc sống hiện đại, đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

 



 

Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.

 

Ở người bình thường, huyết áp vào ban ngày thường cao hơn ban đêm. Huyết áp có xu hướng hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1 - 3 giờ sáng khi con người ngủ say nhất và sẽ tăng cao nhất vào khoảng 8 - 10 giờ sáng khi cơ thể bắt đầu các hoạt động thường ngày.

 

Hầu hết các trường hợp được bác sĩ phát hiện và chẩn đoán bị tăng huyết áp khi đi khám sức khỏe định kỳ dù trước đó huyết áp vẫn đang ở trạng thái bình thường. Chuyện không hiếm, vì đó là bệnh lý phổ biến trong cuộc sống hiện đại, đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

 

Theo hướng dẫn chung về chỉ số huyết áp:

▪️  Huyết áp bình thường: trong khoảng 90/60mmHg và 120/80mmHg

▪️  Huyết áp cao: 140/90mmHg hoặc cao hơn 

▪️  Huyết áp thấp: 90/60mmHg hoặc thấp hơn


Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi huyết áp, cơ thể mệt mỏi, tâm trạng không tốt, vừa đi bộ một quãng dài, vừa tập thể dục, đêm qua mất ngủ… Huyết áp tăng cao thường không có dấu hiệu rõ ràng và diễn biến thầm lặng, nhưng huyết áp có thể trở lại bình thường nếu được kiểm soát tốt hơn. Quan trọng là giữ cho huyết áp không ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể như hệ thống tim mạch, chức năng thận, bệnh lý về mắt…


Để huyết áp luôn ở trạng thái ổn định, bạn nên thiết lập những thói quen nhỏ lành mạnh tạo nên sự thay đổi lớn sau đây:

Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn và có những điều chỉnh phù hợp. Bạn nên theo dõi huyết áp thường xuyên hơn nếu được bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp.


Duy trì cân nặng hợp lý: Các bước đầu tiên khi đi khám sức khỏe bạn sẽ được đo các chỉ số huyết áp, mạch, chiều cao, cân nặng… Các chỉ số này ít nhiều cũng nói lên được nhiều điều về sức khỏe của bạn. Trong đó, cân nặng có liên quan trực tiếp đến huyết áp.

Tạo thói quen đọc các thành phần có trong thực phẩm: Một số loại thực phẩm có chứa nhiều muối, đường, chất béo không tốt cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là khi chỉ số huyết áp của bạn đang vượt quá giới hạn cho phép.

Vận động, vận động và vận động: Tăng cường hoạt động thể chất và chơi thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng cần điều chỉnh sự vận động cho phù hợp thể trạng của bạn. Đặt mục tiêu tối thiểu là 30 phút mỗi ngày và thực hiện đều đặn 5 ngày 1 tuần.

Hạn chế các loại thức uống có cồn như rượu, bia: Rượu bia cũng là một loại gia vị tăng hương vị cho món ăn và cũng góp phần để những cuộc gặp gỡ thêm vui. Nhưng khi uống quá nhiều và thường xuyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho huyết áp tăng cao.

Quản lý tốt stress, dành thời gian thư giãn: Khi bạn căng thẳng, stress kéo dài có khả năng tác động lên toàn bộ hệ thống của cơ thể. Không chỉ tác động lên thành mạch máu, nguyên nhân dẫn tới bệnh tăng huyết áp, hơn thế nữa còn là nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh lý về tim mạch.
 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh