Tin tức và sự kiện

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Trường Sa là những khúc ca của cuộc đời tôi

Cập nhật lúc: 8:12:47 SA - 11/01/2021

Hiếm ai có cùng lúc nhiều 'sự nghiệp' song hành như ông khi vừa là bác sĩ, thầy thuốc nhân dân, thầy giáo, vừa là nhạc sĩ, ca sĩ và vừa là một người lính, thiếu tướng quân đội.

 



 

Và đặc biệt, ở mỗi vai trò ông đều để lại dấu ấn đậm nét. Con người tài hoa ấy chính là thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).  Và đặc biệt, ở mỗi vai trò ông đều để lại dấu ấn đậm nét. Con người tài hoa ấy chính là thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).

 

Tự nhận mình là người "không phải sinh ra để làm âm nhạc" nhưng ông lại bén duyên với âm nhạc từ khá sớm, khi mới 17 tuổi và còn là một cậu sinh viên y khoa. Kể từ đó, trong suốt hành trình gắn bó với nghề thầy thuốc, ông cho ra đời nhiều ca khúc viết về người lính, chiến tranh, quê hương đất nước tạo nên màu sắc tươi mới trong làng nhạc Việt.

 

Trong hàng trăm ca khúc ấy, Trường Sa đối với ông luôn có một chỗ đứng đặc biệt, là nỗi đau đáu và nguồn cảm hứng bất tận…

 

 

"Sinh ra ở Trường Sa"

 

Gần 30 năm gắn bó với Trường Sa, ngày 4-4-2011 để lại nhiều kỷ niệm đối với bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn. Đó là thời khắc ông trực tiếp hội chẩn, hỗ trợ ca sinh mổ cho một sản phụ tại đảo Trường Sa qua Telemedicine (hệ thống chẩn đoán điều trị từ xa) từ Bệnh viện Quân y 175. "Đây là ca mổ đặc biệt cho một sản phụ đặc biệt, ở một nơi đặc biệt" - ông nhớ lại.

 

Tưởng rằng ngày "vượt cạn" của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy sẽ diễn ra suôn sẻ. Nào ngờ sau khi siêu âm, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, khi đó là bệnh xá trưởng trên đảo Trường Sa, cảm thấy vô cùng lo lắng trước tình trạng thai nhi nằm ngôi ngang, nhau quấn cổ, trong khi sản phụ lại có u xơ tử cung.

 

"Bác sĩ nói phải mổ, cố gắng bóc khối u, nếu không vợ tôi phải cắt tử cung. Lúc ấy nước mắt tôi rơi không ngừng, chỉ nghĩ nếu xảy ra chuyện gì, liệu bệnh xá cách biệt với đất liền như thế có thể cứu được vợ con tôi không", anh Nguyễn Tấn Thi (chồng chị Thúy) vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại thời khắc đó.

 

Thông qua hệ thống Telemedicine kết nối từ đất liền, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn cùng đồng nghiệp tại bệnh viện căng mắt dõi theo màn hình, chăm chú quan sát "nhất cử nhất động" của sản phụ để kịp thời tư vấn, hỗ trợ ca mổ. Và điều kỳ diệu đã đến. Trải qua bao giây phút căng thẳng, cuối cùng khi bé gái Nguyễn Ngọc Trường Xuân cất tiếng khóc "oe, oe" chào đời, mọi sự lo lắng hồi hộp đều tan biến.

 

"Tiếng khóc chào đời của bé vỡ òa sự im lặng/Nụ cười hạnh phúc của người cha/Những người phẫu thuật, những người chờ đợi/Lẫn những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo/Nụ cười hạnh phúc của người cha, đón con gái thương yêu từ bàn tay người thầy thuốc". Và chính câu chuyện chào đời của Trường Xuân đã là chất xúc tác cho bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn viết nên những ca từ xúc động trong ca khúc "Sinh ra ở Trường Sa".

 

"Viết những ca khúc không chỉ là sở thích, là cảm xúc đơn thuần, mà với tôi còn là trách nhiệm. Trách nhiệm của một người lính, người thầy thuốc, người thầy và người quản lý. Trên hết, đó là trách nhiệm sẻ chia giữa con người với con người."

 

 

Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn

 

Từ ca mổ đặc biệt ấy, đã có nhiều em bé chào đời, trở thành các công dân tiêu biểu trên đảo tiền tiêu của đất nước. Bài hát "Sinh ra ở Trường Sa" cũng là ca khúc được nhiều người yêu thích bởi ca từ chân thật, khắc họa được sự hi sinh thầm lặng của những người mang trên mình hai màu áo.

 

Mới đây, trong đêm nhạc Nguyễn Hồng Sơn mang chủ đề "Xanh trong trắng", ca từ của bài hát ấy lại một lần nữa được ngân lên khiến bao người xúc động. "Tôi muốn chia sẻ cho mọi người về một sức sống, một tinh thần, một tấm lòng và một hình dung mới về Trường Sa", bác sĩ Sơn chia sẻ. 

 

9 năm trôi qua, Trường Xuân nay đã lớn khôn trong niềm hạnh phúc, tự hào của vợ chồng chị Thúy. Mỗi lần nhắc về kỷ niệm đặc biệt ấy, chị Thúy không khỏi bồi hồi xúc động. Còn với cô bé Trường Xuân, được sinh ra ở Trường Sa là một điều kỳ diệu: "Trong tâm trí con vẫn âm vang tiếng sóng biển của Trường Sa và nụ cười hiền hậu của bác Nguyễn Hồng Sơn mỗi khi hỏi thăm con. Con cũng đã học thuộc bài hát của bác Sơn để có dịp hát cho bác và mọi người nghe".

 

 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn (ngồi giữa) trong 1 lần ghé thăm gia đình bé Thái Bình Hải Thùy - Ảnh: BV cung cấp

 

 

 

"Làm điều tốt nhất cho Trường Sa"

 

Là một người nặng lòng với Trường Sa nên trong sáng tác của ông, Trường Sa có một vị trí đặc biệt. Và nhắc đến các ca khúc viết về Trường Sa không chỉ có "Sinh ra ở Trường Sa", đó còn là "Sức sống Trường Sa", "Phút lặng im trên biển"...

 

Trong số 50 ca khúc được ông sáng tác suốt thời gian công tác, mỗi ca khúc là một câu chuyện "ám ảnh", để lúc thảnh thơi, ông lại ngồi chiêm nghiệm. "Công việc của một người mang trên mình hai màu áo rất bận rộn, cứ cuốn tôi đi nên khó có thời gian dành trọn cho sáng tác nhạc. Từ các chuyến công tác cùng anh em, đồng đội ra đảo, từ các lần nhận nhiệm vụ đột xuất lên đường, đó là lúc các ca khúc tự nhiên ra đời", ông Sơn nói. 

 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất, có lẽ được coi là "kỷ lục" trong suốt sự nghiệp sáng tác của ông, là ca khúc "Tạm biệt Trường Sa". Từ lúc sáng tác cho đến khi phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ trong vòng vỏn vẹn ba giờ đồng hồ.

 

Với "Phút lặng im trên biển", một ca khúc cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại ông vẫn còn rưng rưng. Bài hát "không thể không viết được" ấy ra đời trong một lần cùng đoàn ra đảo Gạc Ma làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh trên biển. 

 

"Dọc đường đi sóng biển rất lớn nhưng khi chuẩn bị làm lễ, bỗng nhiên sóng yên biển lặng. Khi điếu văn cất lên không ai kìm được nước mắt. Hình như cả con tàu nghiêng về phía các chiến sĩ đang nằm. Khi những cánh hoa tươi được thả xuống, những con sóng chồm lên như những cánh tay đón nhận tình cảm của đồng chí, đồng đội đất liền. Cơn mưa kéo đến, ướt áo, mái tóc, ướt cả đôi mắt của những người ở đó. Cảm xúc ấy linh thiêng vô cùng" - bác sĩ Sơn xúc động kể lại.

 

 

"Và chúng ta, những người còn sống nghĩ gì và làm gì? Tôi và tập thể bệnh viện hứa với nhau rằng làm được gì tốt nhất cho Trường Sa, chúng tôi sẽ làm".

 

 

Bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn trong đêm nhạc Nguyễn Hồng Sơn "Xanh trong trắng" - Ảnh: BV cung cấp

 

Là người bạn đời, cũng là thính giả đầu tiên của bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, bà Trần Thị Thanh Mai còn là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời nhiều ca khúc âm nhạc viết về tình yêu. "Tôi rất tự hào về những việc thầm lặng mà anh làm được, và dù ở vai trò nào, anh cũng cố gắng làm những điều tốt đẹp, mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc đời" - bà chia sẻ.

 

Bà Mai cho biết ngoài thời gian dành cho công việc chuyên môn, niềm say mê của bác sĩ Sơn là âm nhạc. Với ông, âm nhạc như là người bạn tri kỷ để giải tỏa áp lực, để cảm xúc thăng hoa và trải lòng trong những chiêm nghiệm về cuộc đời và con người.

 

"Tôi nhớ nhiều lần, trong lúc tôi đang nấu cơm thì anh ấy lấy đàn ngồi dạo, rồi bất chợt reo lên như trẻ thơ, gọi tôi vào nghe bằng được những giai điệu vừa nảy ra. Khi anh ấy ngồi vào đàn hay sáng tác, âm nhạc chính là cuộc sống của anh ấy" - bà Mai tâm sự.

 

 

Gây quỹ cho đêm nhạc Trường Sa: Có thể nói âm nhạc với bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, mục đích cuối cùng là mang đến những gì tốt đẹp cho mọi người và cuộc đời. Album nhạc "Sức sống Trường Sa" và đêm nhạc Nguyễn Hồng Sơn "Xanh trong trắng" đã góp phần gây quỹ trên 4 tỉ đồng hỗ trợ y tế cho Trường Sa và xây dựng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Không chỉ thế, tác quyền các ca khúc do ông sáng tác cũng được đưa vào quỹ học bổng cho các em Nguyễn Ngọc Trường Xuân và Thái Bình Hải Thùy, hai công dân đặc biệt "sinh ra ở Trường Sa", để giúp các em học tập và thực hiện ước mơ của mình.

 

 

 

Hương Thảo