Tin tức và sự kiện

Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS và hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS

Cập nhật lúc: 11:47:56 SA - 01/12/2020

Hôm nay (1/12) là ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS. HIV/AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thuật ngữ HIV/AIDS được hiểu sâu sắc hơn...

 



 

 

Hôm nay (1/12) là ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS. HIV/AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thuật ngữ HIV/AIDS được hiểu sâu sắc hơn:

HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.

AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng thời gian trung bình là khoảng 5 năm.

Tại Việt Nam, sau 30 năm kể từ khi người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại TP. HCM năm 1990, trung bình khoảng 11 nghìn ca nhiễm mới và hơn 2 nghìn người tử vong mỗi năm. Nhưng số ca nhiễm HIV đã liên tục giảm trong 10 năm qua.

Năm 2020 đánh dấu cột mốc 30 năm và hướng tới mục tiêu “chấm dứt AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030. Giờ đây, HIV/AIDS được nói đến cởi mở hơn và có sự đồng hành của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân. Luật pháp tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới quy định người dương tính với HIV có nghĩa vụ "thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình".

 

HIV lây truyền qua 3 đường chính: (1) Đường tình dục; (2) Máu và các chế phẩm máu; (3) Đường mẹ truyền sang con trong thời kỳ mang thai và cho con bú. HIV không tồn tại lâu và sinh sôi nảy nở khi ở bên ngoài cơ thể. Vì vậy mà không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như côn trùng đốt, nước bọt, bắt tay, ăn chung…

 

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, những người thân yêu trong gia đình và cả cộng đồng, những điều bạn nên làm: 

(1) Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục không an toàn.

(2) Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng, không dùng chung bơm kim tiêm. Truyền máu và các chế phẩm từ máu khi thật cần thiết và đã qua xét nghiệm HIV.

(3) Tất cả phụ nữ mang thai đều được xét nghiệm HIV để phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con trong suốt thời gian mang thai và cho con bú sữa mẹ. Theo khuyến cáo, phụ nữ nhiễm HIV không nên mang thai.

 


Bệnh viện An Sinh