Kiến thức y học

Sự phát triển thể chất của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cập nhật lúc: 10:56:38 SA - 28/09/2020

Trẻ em là cơ thể đang lớn và phát triển, nhất là trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Sự phát triển thể chất của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với nhiều sự thay đổi đáng ngạc nhiên...

 

 



 

 

Trẻ em là cơ thể đang lớn và phát triển, nhất là trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Sự phát triển thể chất của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với nhiều sự thay đổi đáng ngạc nhiên. Bố mẹ cần theo dõi sát sao sự tăng trưởng của trẻ cả về cân nặng và chiều cao để nhận biết những thay đổi về nhu cầu và sức khỏe trẻ.

 

 

Trẻ sơ sinh: Trung bình dài khoảng 50cm và nặng 3,3kg. Chu vi vòng đầu của bé trai là 34,3cm và bé gái là 33,8cm. Trẻ ngủ nhiều khoảng từ 20 - 24 giờ mỗi ngày. Trẻ có các phản xạ tự nhiên như tìm vú mẹ, bú, phản xạ nắm tay, phản xạ bắt chộp, vận động tự phát…

 

Chào đời đến 4 ngày tuổi: Cân nặng của trẻ giảm xuống khoảng 5 - 10% so với lúc mới sinh. Nguyên nhân là do trẻ bị mất nước, cơ thể tiết dịch khi đi tiểu và đi ngoài.

 

5 ngày đến 3 tháng tuổi: Trong khoảng thời gian này, trung bình trẻ tăng khoảng 15-28g mỗi ngày. Trẻ sẽ nhanh chóng đạt được mức cân nặng lúc sinh sau 2 tuần tuổi. Trẻ biết hóng chuyện, mỉm cười, mắt nhìn theo vật sáng di động, phát âm líu lo.

 

3 đến 6 tháng tuổi: Mỗi hai tuần, trẻ sẽ tăng lên khoảng 225r. Khi được 6 tháng, trẻ đạt cân nặng gấp đôi so với lúc mới sinh. Trẻ có thể nhìn theo vật di động, biết lẫy từ ngửa sang sấp.

 

7 đến 12 tháng: Cân nặng của trẻ sẽ tiếp tục tăng khoảng 500g/tháng. Nếu bú mẹ, cân nặng tăng lên ít hơn. Giai đoạn này trẻ tiêu hao rất nhiều calorie vì bắt đầu tập vận động nhiều hơn. Trước khi tròn 1 tuổi, chiều cao trung bình đạt khoảng 72 – 76cm và nặng gấp 3 lần lúc mới sinh. Trẻ có cảm xúc vui mừng hoặc sợ hãi, tự ngồi/đứng vững hơn, sử dụng các ngón tay linh hoạt, có thể vẫy tay chào, hoan hô, biết phát âm ba ba, ma ma…

 

1 tuổi (tuổi tập đi): Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sẽ chậm lại so với giai đoạn trước, nhưng mỗi tháng cân nặng vẫn có thể tăng lên khoảng 225g và chiều cao tăng lên khoảng 1,2cm. Lời nói phát triển nhanh, có thể nói được câu ngắn. Các động tác khéo léo hơn, có thể cầm ly uống nước, cầm muỗng xúc ăn… Đi vững, bò được lên cầu thang, đứng lên ngồi xuống một mình, biết đòi đi vệ sinh.

 

2 tuổi: Trẻ sẽ cao thêm khoảng 10cm và cân nặng tăng thêm khoảng 2,5kg so với lúc 1 tuổi. Lúc này, bác sĩ nhi khoa có thể đưa ra những dự đoán chính xác hơn về chiều cao cân nặng của trẻ khi lớn lên.

 

3 đến 4 tuổi (tuổi mẫu giáo): Theo các chuyên gia y khoa, chân tay của trẻ phát triển và lượng mỡ trên cơ thể giảm đi nhiều. Trẻ nhìn có vẻ cao lớn hơn. Lời nói phát triển nhiều, thường tự đặt câu hỏi, học thuộc bài hát ngắn. Đi nhanh, chạy theo bậc cửa, tập múa, tự phục vụ các một số việc đơn giản như cài cúc áo, đi tất, xúc cơm…

 

4 đến 5 tuổi: Trẻ phát triển nhanh về ngôn ngữ, thích nghe kể chuyện và kể chuyện lại. Đôi bàn tay khéo léo, biết buộc dây, cầm vật dụng. Thích tìm hiểu về môi trường xung quanh. Khi đi học trẻ cảm thấy như bị bỏ rơi, trẻ cần được bố mẹ khuyến kích để thích nghi và quen dần với trường học và cộng đồng.


5 tuổi trở lên: Từ độ tuổi này cho tới khi dậy thì, chiều cao của trẻ sẽ phát triển rất nhanh. Bé gái thường đạt được chiều cao tối đa khoảng sau 2 năm kể từ kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Bé trai cũng đạt được chiều cao ở tuổi trưởng thành khi đến tuổi 17.

 

 

Bệnh viện An Sinh