Kiến thức y học

20 lý do khiến glucose trong máu không ổn định (phần 2)

Cập nhật lúc: 11:42:34 SA - 25/06/2020

Bệnh tiểu đường, y khoa gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính đang gia tăng tại Việt Nam. Bệnh tiểu đường với biểu hiện glucose (đường) trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu...

 

 



  

 

Bệnh tiểu đường, y khoa gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính đang gia tăng tại Việt Nam. Bệnh tiểu đường với biểu hiện glucose (đường) trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

 

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không thể chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm dung nạp hàng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây tổn thương các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

 

 

Sau đây là 20 lý do khiến glucose (đường) trong máu không ổn định:

 

 

11. Thận trọng khi dùng thuốc viên ngừa thai

 

Các biện pháp ngừa thai nội tiết có chứa estrogen có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa insulin trong cơ thể. Mặc dù, thuốc uống ngừa thai có thể sử dụng an toàn cho phụ nữ đái tháo đường. Hãy chắc chắn là bạn sử dụng đúng loại và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

 

Bạn cần theo dõi kỹ đường huyết trong quá trình dùng thuốc. Tùy tình trạng đái tháo đường, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bạn thực hiện phương pháp ngừa thai an toàn khác như cấy que tránh thai.

 

 

12. Giảm đường huyết khi làm công việc nhà

 

Việc nhà được xếp vào nhóm hoạt động thể lực mức độ trung bình, giúp tăng cường sức khỏe, đặc biệt có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Những công việc đó có thể là lau nhà, cắt cỏ, rửa chén, đi chợ… cũng mang đến một phần thưởng xứng đáng giúp ổn định đường huyết.

 

Mỗi ngày, bạn nên tận dụng thời gian để có thể vận động dù là nhẹ nhàng như khi đi mua sắm, đi chợ, đi siêu thị… cũng mang lại hiệu quả hơn mong đợi.

 

 

13. Giảm đường huyết nhờ sữa chua (yogurt)

 

Thực phẩm có chứa nhiều vi khuẩn thân thiện như sữa chua hoặc probiotic, không chỉ giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

 

Bạn cũng cần chú ý đến lượng đường trước khi dùng những loại thực phẩm này. Một số loại có kết hợp thêm đường hoặc trái cây. Tốt nhất vn nên chọn loại sữa chua nguyên chất hoặc không đường.

 

 

14. Giảm đường huyết bằng chế độ ăn chay

 

Nghiên cứu ở những người bệnh đái tháo đường típ 2 nhận thấy, khi chuyển sang chế độ ăn chay (hoặc chế độ ăn toàn rau xanh, củ quả các loại) giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn và giảm lượng insulin cần dùng. Thực phẩm giàu chất xơ có nguồn gốc từ ngũ cốc nguyên hạt và đậu đóng vai trò làm chậm tiêu hóa các chất đường.

 

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để biết chính xác liệu chế độ ăn chay có thực sự hữu ích đối với bệnh đái tháo đường hay không. Quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn và theo dõi đường huyết mỗi ngày.

 

 

15. Quế là loại thực phẩm đầy hứa hẹn

 

Quế làm tăng hương vị của món ăn, có thể dùng thay muối, đường hoặc các loại gia vị khác. Một số nghiên cứu đã chứng minh, quế giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn và giảm lượng đường trong máu ở những người bệnh đái tháo đường típ 2.

 

Sử dụng đúng liều lượng, quế sẽ phát huy tốt vai trò trong việc điều hòa đường huyết. Nếu lạm dụng, quế có thể gây ra các tác dụng phụ, bạn cần cân nhắc trước khi sử dụng.

 

 

16. Đường huyết thay đổi trong lúc ngủ

 

Ở một số người bệnh đái tháo đường, đường trong máu có thể hạ thấp đến mức nguy hiểm trong lúc ngủ, đặc biệt nếu có dùng insulin. Một bữa ăn nhẹ trước khi ngủ sẽ giúp giảm nguy cơ này. Bạn cũng nên kiểm tra đường huyết trước khi ngủ và khi thức dậy.

 

Đường máu có thể tăng cao vào buổi sáng, ngay cả trước bữa ăn sáng. Nguyên nhân là do thay đổi nội tiết hoặc insulin sụt giảm. Kiểm tra đường huyết thường xuyên rất quan trọng, giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu khi bị tăng cao hoặc hạ thấp quá mức cho phép.

 

 

17. Đường huyết thay đổi khi tập thể dục

 

Tập thể dục tăng cường sức khỏe cho tất cả mọi người. Với người bệnh đái tháo đường, bạn cần điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp với thể trạng. Khi tập luyện, cơ thể sẽ đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, đường huyết cũng tăng lên hạ xuống một cách đột ngột, điều này không tốt cho sức khỏe của bạn.

 

Một số bộ môn đòi hỏi cường độ và sức bền có thể làm đường huyết giảm vào khoảng thời gian sau khi tập. Bạn nên ăn một bữa nhẹ trước khi tập và kiểm tra đường huyết trước - trong - sau khi tập luyện.

 

 

18. Đường huyết thay đổi khi uống bia, rượu

 

Các loại thức uống có cồn chứa rất nhiều carbohydrate. Có thể làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể và có thể giảm vài giờ sau đó. Nếu uống bia rượu, tốt nhất bạn cần ăn trong khi uống và kết hợp kiểm tra mức đường huyết.

 

Lời khuyên của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), bạn không nên uống hơn một đơn vị cồn đối với nữ và hai đơn vị cồn một đối với nam. Một đơn vị tương đương 150ml rượu vang, 350ml bia hoặc 44ml rượu mạnh như vodka hoặc whiskey.

 

 

19. Đường huyết thay đổi khi trời nắng nóng

 

Bạn sẽ an toàn hơn nếu ở trong phòng có máy điều hòa khi trời nắng nóng. Nhiệt độ cao khiến bạn khó kiểm soát đường huyết hơn. Bạn nên uống đầy đủ nước, tránh để cơ thể thiếu nước và kiểm soát đường huyết. Nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc bạn uống, máy đo đường huyết và que thử đường huyết.

 

 

20. Đường huyết thay đổi do nội tiết tố nữ

 

Khi phụ nữ thay đổi nội tiết tố, đường huyết cũng sẽ thay đổi. Hãy theo dõi và ghi chép lại mức đường huyết hàng tháng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng thế nào đến toàn bộ cơ thể.

 

Thay đổi nội tiết trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể làm đường huyết khó kiểm soát. Bạn nên thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị phù hợp.

 

 

 

Đường có thực sự là "kẻ thù số 1" với người bệnh đái tháo đường?

 

Nếu bạn ưu thích các món ngọt mà lại mắc bệnh đái tháo đường? Điều đáng mừng là bạn sẽ không phải kiêng đường tuyệt đối. Hiện nay, các chuyên gia đái tháo đường cho rằng tổng lượng carbohydrate mới là quan trọng nhất.

 

Điều chỉnh một chút trong thói quen ăn uống, chẳng hạn như chia 3 bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến tổng lượng carbohydrate và calo, đặc biệt nhất vẫn là khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra đường huyết thường xuyên, tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

 

 

 

20 lý do khiến glucose (đường) trong máu không ổn định (phần 1) 

 

 

Bệnh viện An Sinh