Kiến thức y học

Holter điện tim những điều bạn cần biết

Cập nhật lúc: 11:26:07 SA - 06/07/2019

Holter điện tim là một thiết bị nhỏ gọn, dễ mang theo bên mình, được sử dụng trong y khoa để theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian từ 24 tiếng đến 48 tiếng và thiết bị sẽ ghi nhận tất cả các thông số nhịp tim của bạn trong thời gian này.

 



 

 

Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện holter điện tim sau khi đã trải qua các bước kiểm tra sức khỏe ban đầu, nếu như kết quả điện tim thông thường không đủ thông tin cho việc chẩn đoán chính xác.

 

Trong thời gian mang máy Holter, bạn có thể cảm thấy hơi bất tiện, nhưng đây là phương pháp kiểm tra quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bạn có gặp vấn đề về tim, rối loạn nhịp tim hay không và ngay cả khi nhịp tim không có dấu hiệu bất thường.

 

 

Bạn nên thực hiện Holter điện tim, vì sao?                      

 

Bác sĩ chỉ định đo điện tim đồ khi bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim như rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) hoặc ngất xỉu không lý do. Đo điện tim đồ là một phương pháp kiểm tra nhanh và không xâm lấn bằng cách dán các điện cực lên ngực của bạn để kiểm tra nhịp tim.

 

Một số trường hợp không phát hiện bất thường trong nhịp tim của bạn vì thời gian kết nối với máy đo điện tâm đồ quá ngắn. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định bạn mang máy Holter trong khoảng thời gian 24 giờ hoặc lâu hơn.

 

Holter điện tim còn được thực hiện trong trường hợp bệnh tim của bạn làm tăng nguy cơ về rối loạn nhịp tim. Thời gian mang máy Holter từ 1 ngày hoặc 2 ngày, ngay cả khi bạn không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào về nhịp tim bất thường.

 

 

Nguy cơ có thể gặp phải khi mang máy Holter điện tim

 

Không có nguy cơ nào đáng kể khi thực hiện Holter điện tim, ngoại trừ cảm giác không thoải mái khi mang thêm một thiết bị bên mình và vùng da có dán điện cực bị kích ứng.

 

Trong thời gian đeo máy Holter, bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường, tránh gắng sức, không làm ướt máy, không va đập mạnh vào máy vì ảnh hưởng đến kết quả điện tim. Bạn sẽ được hướng dẫn bấm nút để ghi nhận lại thời điểm nhịp tim có dấu hiệu bất thường.

 

Máy Holter thường không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử khác nhưng bạn nên tránh xa các máy dò kim loại, nam châm, lò vi sóng, chăn mền điện, máy cạo râu, bàn chải đánh răng điện… vì các thiết bị này có thể làm gián đoạn tín hiệu phát ra từ các điện cực đến máy Holter. Điện thoại di động và máy nghe nhạc cầm tay nên để cách máy Holter ít nhất là 15 cm.

 

Bên cạnh việc mang máy Holter, bạn nên theo dõi nhịp tim bằng cách ghi vào sổ tay tất cả các dữ liệu như triệu chứng và thời gian chính xác mà bạn cảm thấy bất thường.

 

 

Bạn cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện Holter điện tim?

 

Bạn sẽ được đặt lịch hẹn nếu bác sĩ đề nghị bạn đo nhịp tim bằng máy Holter. Trước khi đến gắn máy Holter, bạn nên tắm rửa sạch sẽ, mặc áo rộng, ngắn tay và tốt nhất là áo có xẻ nút trước ngực. Vì khi máy Holter bắt đầu hoạt động không thể tháo rời và phải được giữ khô ráo.

 

Điều dưỡng sẽ dán các điện cực có đường kính 4cm lên ngực của bạn để cảm nhận nhịp tim. Các điện cực được nối với thiết bị ghi điện tim bằng các dây dẫn.

 

Bạn sẽ được hướng dẫn cẩn thận cách mang máy Holter đúng cách để ghi nhận dữ liệu dẫn truyền từ các điện cực. Thiết bị ghi nhịp tim có kích thước như một tấm thẻ.

 

Khi gắn máy theo dõi và được hướng dẫn cách đeo máy, bạn rời phòng khám bệnh và trở lại các hoạt động thường ngày.

 

 

Điều bạn mong muốn khi mang máy Holter điện tim?

 

Đo nhịp tim bằng máy Holter không gây đau và không xâm lấn. Bạn có thể giấu các điện cực và dây dẫn bên trong quần áo và gắn thiết bị ghi nhịp tim trên dây nịt hoặc dây đeo. Máy Holter phải được mang mọi lúc, không được tháo rời ngay cả khi bạn ngủ.

 

Các hoạt động hàng ngày không ảnh hưởng đến quá trình bạn mang máy Holter. Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết thời gian cần theo dõi nếu nghi ngờ hoặc tần suất có vấn đề về tim mà bạn có.

 

Một cuốn sổ tay ghi lại tất cả hoạt động và bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian bạn mang máy là rất cần thiết, các triệu chứng không được bỏ qua như đánh trống ngực, bỏ nhịp tim, khó thở, đau ngực hoặc chóng mặt...

 

Bác sĩ sẽ cần cả 2 dữ liệu, một là thông số được ghi nhận qua máy Holter và hai là sổ tay nhật ký của bạn để so sánh. Từ đó có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của bạn.

 

 

Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về kết quả sau khi thực hiện Holter điện tim. Một số trường hợp đặc biệt, kết quả từ máy Holter cho thấy bạn có vấn đề về tim nhưng bác sĩ vẫn cần bạn thực hiện thêm các kiểm tra khác để tìm nguyên nhân gây ra triệu chứng mà bạn gặp phải. Hoặc có thể bác sĩ không thể chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của bạn dựa vào các kết quả đó, đặc biệt là khi không có bất kỳ nhịp tim bất thường nào trong thời gian mang thiết bị.

 

Nếu như các phương thức kiểm tra trên không đủ thuyết phục để xác định chính xác bạn có vấn đề về tim hoặc rối loạn nhịp tim, có nhiều khả năng, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện phương pháp theo dõi nhịp tim dài hạn bằng máy ghi điện tim cấy dưới da (là một thiết bị nhỏ được cấy dưới vùng da ngực) để ghi nhịp tim liên tục lên đến ba năm. Do nhịp tim bất thường ít xuất hiện nên các phương pháp đo điện tâm đồ thông thường hoặc máy Holter điện tim không thể ghi nhận được.

 

 

Khoa Khám Bệnh Bệnh viện An Sinh

Tầng trệt nhà A và B, 10 Trần Huy Liệu, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM

Điện thoại: (028) 38457777 - số máy lẻ: 111, 222, 333, 334, 152, 271