Kiến thức y học

Bệnh Chắp và Lẹo

Cập nhật lúc: 4:36:28 CH - 04/06/2019

Chắp và lẹo đều là một khối nằm trong hoặc dọc theo bờ mi. Trong nhiều trường hợp rất khó để phân biệt giữa chắp và lẹo.



 

 

 

Chắp và lẹo là gì?

 

Lẹo thường có biểu hiện là một khối sưng, đỏ gần sát bờ mi, gây ra bởi các nang chân lông mi bị nhiễm khuẩn. Khi lẹo gặp ở bên trong hay dưới mi mắt được gọi là lẹo trong.

 

Chắp tạo thành khi các tuyến nhầy trong mi mắt gọi là tuyến Meibomius to ra và tắc nghẽn. Chắp hình thành ở vị trí xa bờ mi hơn so với lẹo. Chắp thường không đau. Nó không phải là tình trạng nhiễm khuẩn, không phải là ung thư. Đôi khi lẹo không lành hẳn có thể xơ hoá thành chắp.

 

 

Triệu chứng

 

Triệu chứng khởi đầu của lẹo thường là mi mắt phồng lên, đỏ ở vùng nhiễm khuẩn, chảy ghèn và cảm giác cộm xốn trong mắt. Sau đó các triệu chứng sẽ tiến triển khiến khối phồng mi mắt to dần, tạo thành một cục đỏ dọc theo bờ mi tại vị trí sát chân lông mi. Các triệu chứng kèm theo thường là:

 

  • Cảm giác cộm xốn như có cát trong mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Tróc vảy tại bờ mi
  • Chảy nước mắt

 

Khoảng 25% chắp không có triệu chứng và tự khỏi không cần điều trị. Tuy nhiên đôi khi chắp có thể sưng đỏ. Chắp to có thể gây ra nhìn mờ do làm biến dạng mắt. Thỉnh thoảng chắp có thể làm sưng toàn bộ mi mắt.

 

 

Ai có nguy cơ bị bệnh chắp lẹo?

 

Bất kì ai cũng có thể bị bệnh chắp lẹo, nhưng ở những người có tình trạng viêm bờ mi thì khả năng bị chắp lẹo sẽ cao hơn. Bạn có thể có nguy cơ cao bị chắp lẹo nếu:

  • Đã từng bị chắp lẹo trước đó
  • Có các tình trạng về da như: mụn trứng cá, viêm da tiết bã
  • Có các bệnh lý nội khoa như tiểu đường
  • Không tẩy trang kỹ sau khi trang điểm
  • Sử dụng mỹ phẩm hết hạn sử dụng hoặc bị nhiễm khuẩn

 

 

Nguyên nhân gây ra bệnh chắp lẹo là gì?

 

  • Lẹo sưng viêm, đau thường do nhiễm khuẩn
  • Lẹo xuất hiện ở bờ mi sát chân lông mi khi các nang lông bị nhiễm khuẩn, thường gọi là lẹo ngoài
  • Lẹo cũng có thể xuất hiện khi các tuyến sụn mi ở trong hoặc dưới mi mắt (gọi là tuyến Meibomius) bị viêm tắc nghẽn, tình trạng này gọi là lẹo trong
  • Lẹo còn do tình trạng viêm rộng toàn mi mắt phát triển từ viêm bờ mi trước đó.
  • Chắp xuất hiện khi các tuyến sụn mi bị tắc nghẽn. Ngoài ra lẹo trong nếu không được điều trị đúng cách có thể xơ hoá tạo thành chắp. Trái với lẹo, chắp thường không đau.

 

 

Điều trị bệnh chắp lẹo

 

Điều quan trọng là bạn không được cố gắng tự nặn mủ, vì sẽ làm nhiễm khuẩn vào mô quanh mắt, làm tình trạng sưng viêm nặng nề hơn.

 

Bệnh chắp lẹo có thể được điều trị với các phương pháp sau:

 

  • Chườm ấm: Nhúng miếng gòn hoặc khăn sạch vào nước nóng và đắp lên mi mắt vùng bị chắp lẹo từ 10 đến 15 phút, 4 hoặc 5 lần 1 ngày đến khi chắp lẹo hết sưng viêm. Bạn có thể nhúng lại miếng gòn hoặc khăn vào nước nóng nhiều lần giúp giữ miếng gòn luôn nóng để việc chườm ấm được hiệu quả. Chườm ấm sẽ giúp giải phóng các tuyến sụn mi tắc nghẽn và lấy sạch các chất tiết vàng tại mi mắt. Có thể mát-xa nhẹ nhàng mi mắt giúp lấy sạch các chất tiết bị tắc nghẽn. 
  • Thuốc mỡ kháng sinh: Bác sỹ có thể kê toa thuốc mỡ kháng sinh nếu tình trạng chắp bị nhiễm khuẩn, hoặc lẹo không bớt sau khi chườm ấm, hoặc bị nặng hơn. 
  • Chích thuốc corticoid: Chích thuốc corticoid (cortisone) thỉnh thoảng được sử dụng để làm giảm tình trạng sưng phù do chắp. 
  • Rạch chắp lẹo: Chắp lẹo lớn không khỏi sau khi sử dụng các phương pháp điều trị như trên hoặc ảnh hưởng đến thị lực thì bác sỹ cần phẫu thuật để loại bỏ chắp lẹo. Thủ thuật được thực hiện với thuốc tê và tiến hành tại bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa mắt.

 

Chắp lẹo thường được điều trị tốt mặc dù vài người có thể bị tái lại nhiều lần. Nếu chắp tái lại cùng 1 vị trí nhiều lần, bác sỹ có thể sinh thiết để loại trừ các bệnh nguy hiểm khác. Không nên trang điểm mắt hoặc đeo kính sát tròng cho đến khi chắp lẹo khỏi hoàn toàn.

 

 

Khoa Mắt Bệnh viện An Sinh

Tầng trệt nhà A, 10 Trần Huy Liệu Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 3845 7777 - số máy lẻ: 104