Tin tức và sự kiện

Các khuyến nghị mới của Tổ chức Y tế Thế giới thúc đẩy tiến trình loại trừ bệnh Lao

Cập nhật lúc: 4:43:50 CH - 26/03/2019

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành các hướng dẫn mới nhằm cải thiện việc điều trị bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB). WHO đang khuyến nghị chuyển sang chế độ điều trị thuốc uống toàn bộ, để điều trị cho những người mắc bệnh lao đa kháng thuốc.



 

Quá trình điều trị mới này hiệu quả hơn và ít có khả năng gây ra các tác dụng phụ bất lợi. WHO khuyến cáo nên có các điều trị hỗ trợ, với việc theo dõi tích cực an toàn thuốc và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn để giúp người bệnh hoàn thành quá trình điều trị.

 

Các khuyến nghị là một phần của gói hành động lớn hơn, được thiết kế để giúp các quốc gia tăng tốc trong tiến trình chấm dứt bệnh Lao, được ban hành nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Lao.

 

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay là “Đã đến lúc chấm dứt bệnh Lao” (Tiếng Anh: It’s time to end TB), nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết chuyển các cam kết được đưa ra tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh Lao năm 2018 thành các hành động, để đảm bảo mọi người có nhu cầu chăm sóc bệnh Lao đều có thể nhận được dịch vụ.

 

Kể từ năm 2000, 54 triệu người đã được cứu sống, tử vong vì bệnh Lao đã giảm 1/3. Tuy nhiên, vẫn có 10 triệu người mắc bệnh Lao mỗi năm, trong số đó vẫn còn rất nhiều người không tiếp cận được các dịch vụ điều trị.

 

Gói WHO được thiết kế để giúp các quốc gia thu hẹp khoảng cách trong việc chăm sóc để không ai bị bỏ lại phía sau. Các yếu tố chính bao gồm:

 

Khung trách nhiệm giải trình để phối hợp hành động giữa các ngành và theo dõi, giám sát tiến trình.

 

Bảng theo dõi giúp các quốc gia biết về thực trạng dịch bệnh của quốc gia thông qua giám sát thời gian thực, bằng cách chuyển sang các hệ thống giám sát bệnh Lao trực tuyến.

 

Hướng dẫn về ưu tiên hiệu quả của việc lập kế hoạch và thực hiện các can thiệp có tác động về bệnh lao, dựa trên các phân tích về phương thức bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc.

 

Hướng dẫn mới của WHO về kiểm soát nhiễm khuẩn và điều trị dự phòng nhiễm Lao tiềm ẩn.

 

Nhóm hành động xã hội dân sự để đảm bảo các tổ chức xã hội dân sự tham gia một cách có hiệu quả và ý nghĩa.

 

Dự kiến ngày 22/3, các đối tác quan trọng sẽ cùng nhau tham dự một hội nghị chuyên đề về Ngày Thế giới Phòng chống Lao tại WHO ở Geneva, Thụy Sỹ để phát triển một nền tảng hợp tác đa phương, đa ngành nhằm đẩy nhanh các hành động chấm dứt bệnh lao. 

 

Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu trên thế giới, gây ra 4.500 trường hợp tử vong mỗi ngày. Gánh nặng nặng nề nhất đối với các cộng đồng đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế xã hội, những người đang sinh sống và làm việc trong các môi trường rủi ro cao, nghèo đói và bị thiệt thòi nhất.

 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO