Kiến thức y học

Tại sao phải bỏ hút thuốc lá khi bị tăng huyết áp?

Cập nhật lúc: 9:41:16 SA - 15/03/2019

Bệnh tăng huyết áp hay dân gian còn gọi là tăng song, cao máu. Như chúng ta đã biết, huyết áp là áp suất của máu trong thành động mạch. Nó rất cần thiết để luân chuyển máu trong cơ thể của bạn. Huyết áp cao xảy ra khi áp suất máu duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian dài.



 

Bệnh tăng huyết áp là gì? Bệnh hiện nay phổ biến ra sao?

 

Bệnh tăng huyết áp hay dân gian còn gọi là tăng song, cao máu. Như chúng ta đã biết, huyết áp là áp suất của máu trong thành động mạch. Nó rất cần thiết để luân chuyển máu trong cơ thể của bạn. Huyết áp cao xảy ra khi áp suất máu duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian dài. Về y học, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu đo ở phòng khám ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHgTình trạng này khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn và có thể gây ra cơn đau tim, đột quỵ, suy thận và thậm chí dẫn đến tử vong. Hiện nay, tăng huyết áp đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, ảnh hưởng hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Điều đặc biệt, bệnh tăng huyết áp thường không có biểu hiện hoặc triệu chứng báo động. Cách duy nhất để biết bạn có mắc bệnh hay không là phải đo huyết áp. Bạn nên đo ít nhất 1 lần trong 1 năm.

 

Tăng huyết áp khá phổ biến trên toàn thế giới, cứ 4 người thì có 1 người bị tăng huyết áp, tỷ lệ chung 26,6%. Tại Việt Nam, năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp là 27,2% và năm 2015 tỷ lệ này tăng lên đến 47,3%. Có nghĩa là hiện nay cứ 2 người thì có 1 người bị tăng huyết áp. Tỷ lệ tăng huyết áp gia tăng theo tuổi, nhóm người từ 65 tuổi, có tỷ lệ tăng huyết áp là 63,3%. Dự đoán đến năm 2025 có hơn 500 triệu người bị tăng huyết áp.

 

 

Hút thuốc lá có liên quan gì đến bệnh tăng huyết áp?

 

Từ năm 1940, người ta đã thấy có mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Dù hút một vài điếu thuốc trong ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Mối liên quan chặt chẽ giữa hút thuốc lá và bệnh tăng huyết áp, tim mạch không chỉ thấy ở cả 2 giới, trong lớp trẻ và người già mà còn thấy ở tất cả các chủng tộc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 2-3 lần và nó còn tương tác với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ lên gấp nhiều lần. Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ. Trong số đó bệnh mạch vành là quan trọng nhất, ước tính chiếm khoảng hơn một nửa trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc lá. Không có bằng chứng chứng minh rằng hút thuốc lá đầu lọc hay các loại khác nhau của thuốc lá làm giảm được yếu tố nguy cơ. Do đó, hút bất kỳ loại thuốc nào đều ảnh hưởng đến tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ ảnh hưởng đến tim mạch cũng tăng theo mức độ hút thuốc, tức là càng hút nhiều và hút lâu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

 

 

Vì sao người bệnh tăng huyết áp cần phải bỏ thuốc lá, nếu như người bệnh tăng huyết áp vẫn còn tiếp tục hút thì tình trạng bệnh của họ sẽ diễn biến như thế nào?

 

Khi hít khói thuốc vào sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Nicotine trong khói thuốc sẽ kích thích hệ thống thần kinh của tim làm tăng nhịp tim và huyết áp. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút. 

 

Một tác động quan trọng khác là gây tăng huyết áp cấp tính. Trong một số nghiên cứu cho thấy rằng huyết áp trở về bình thường giữa các lần hút thuốc nhưng nếu hút nhiều lần trong ngày dẫn đến tăng huyết áp trung bình. Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp dao động.

 

Hút thuốc còn làm giảm tác dụng điều trị tăng huyết áp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp. Một cơ chế mà hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc là do nó kích thích gan sản xuất ra 1 loại men vào trong máu làm hạn chế tác dụng của thuốc. Hút thuốc lâu ngày làm tụ mỡ bụng tăng vòng eo, tăng mỡ máu, ... Những ảnh hưởng xấu này tăng theo số điếu hút, số năm hút và không khác nhau giữa hút thuốc lá có khói hay thuốc lá không khói, thuốc lá điện tử. Người hút thuốc lá nhiều năm cơ thể luôn tiềm ẩn những rối loạn chuyển hóa đường, mỡ và trên tim mạch. Theo thời gian, người khỏe mạnh hút thuốc lá có tần suất mắc bệnh tim mạch gấp hai lần người mới bỏ thuốc hoặc đã bỏ từ lâu.

 

 

Lời khuyên của bác sĩ đến những người hiện đang còn hút thuốc lá

 

Tốt nhất là không hút thuốc vì những nguy hại của việc hút thuốc lá như đã nói ở trên. Nếu bạn đang hút thuốc thì nên tìm cách bỏ hút thuốc.

 

Đối với những người đã hút thuốc rồi thì việc bỏ hút thuốc có lợi ích như thế nào? Trong một tổng kết các nghiên cứu theo dõi lâu dài của việc bỏ hút thuốc so với những người vẫn tiếp tục hút thuốc được báo cáo của Hoa Kỳ năm 1995 qua 16 năm theo dõi cho thấy, những người bỏ hút thuốc lá đã làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch của họ một cách đáng kể so với người tiếp tục hút.

 

Đặc biệt, nguy cơ này giảm chỉ còn 1,3 so với 2,0 lần ở người hút thuốc nhiều đã bỏ so với những người không bỏ hút thuốc. Bên cạnh đó, việc bỏ hút thuốc ở người chưa từng có biểu hiện của bệnh tim mạch sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch về sau một cách rất rõ ràng. Còn đối với người đã bị bệnh tim mạch thì việc bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ tái phát bệnh hoặc làm nặng bệnh.

 

Ở những người đã hút thuốc trong một giai đoạn dài (nhiều chục năm) thì khi bỏ hút thuốc vẫn có lợi ích đối với việc giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Việc bỏ hút thuốc thậm chí còn có lợi ích, giảm đáng kể tỷ lệ bệnh tim mạch ngay trong những ngày đầu tiên. Theo báo cáo của Ban Sức khỏe Hoa Kỳ về lợi ích của bỏ hút thuốc năm 1990, việc bỏ thuốc đã làm giảm đi một nửa các biến cố bệnh tim mạch trong năm đầu và sau khi bỏ 10 năm thì nguy cơ chỉ còn gần tương tự như ở người chưa từng hút thuốc. Khi bạn bỏ thuốc, những tác hại của thuốc lá lên tim mạch sẽ bắt đầu giảm. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy cân nhắc tác hại của thuốc lá lên trái tim của bạn. Hãy bỏ hút thuốc lá ngay khi có thể.

 

 

 

ThS. BS. Trần Kinh Thành