Tin bệnh viện An Sinh

Chương trình tập huấn "An toàn tiêm chủng" năm 2018

Cập nhật lúc: 4:51:30 CH - 20/11/2018

Ngày 4, 11 và 16/11/2018, Bệnh viện An Sinh phối hợp với Viện Pastuer Tp. Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn An toàn tiêm chủng năm 2018 cho gần 60 bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh bệnh viện.



 

Chương trình tập huấn An toàn tiêm chủng năm 2018 bao gồm các nội dung: Các quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị; Điều kiện của cơ sở y tế được phép tiêm chủng; Quy trình tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và cấp phát vắc xin, sinh phẩm y tế; Quy trình tiêm chủng an toàn; Giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm; Chế độ báo cáo và hồ sơ lưu trữ; Tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn; Giới thiệu các văn bản quy định tổ chức triển khai điểm tiêm chủng các loại vắc xin; Giới thiệu các loại sổ sách, biểu mẫu trong tiêm chủng các loại vắc xin; Qui định về dây chuyền lạnh và bảo quản vắc xin.

 

Trong thời gian tập huấn An toàn tiêm chủng năm 2018, bên cạnh việc cập nhật và bổ sung các kiến thức mới về an toàn tiêm chủng, các giảng viên còn chia sẻ thêm những kinh nghiệm thực tế về sự cố xảy ra sau khi tiêm chủng và cách khắc phục những sự cố đó. Làm sao hạn chế đến mức tối đa sai sót xảy ra dù là nhỏ nhất. Không làm ảnh hưởng đến chất lượng tiêm chủng hoặc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người được tiêm chủng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

 

 

Để nghiên cứu thành công một loại vắc xin và đưa vào sử dụng có thể mất đến 10 năm hoặc cũng có thể lên đến 20 năm. Bởi quy trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin cần thời gian dài, đầu tư lớn cả về thiết bị và con người, qua nhiều gia đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng đến thử nghiệm lâm sàng và vẫn phải theo dõi chặt chẽ sau khi đã đưa vào sử dụng. Mặc dù đã được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, nhưng một vài vắc xin có khả năng gây ra những phản ứng phụ tạm thời và thường tự hồi phục. Lợi ích bảo vệ sức khỏe từ vắc xin lớn hơn nhiều so với nguy cơ hiếm gặp các vấn đề nghiêm trọng khi chích ngừa. Một loại vắc xin có khả năng dập tắt một cơn đại dịch, phòng ngừa cho hàng triệu người và cứu sống sinh mệnh thoát khỏi khuyết tật hoàn toàn vì bệnh tật.


 

Chích ngừa vắc xin được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Bản chất của việc chích ngừa vắc-xin là đưa một lượng vắc xin vừa đủ, tức là đưa kháng nguyên của vi-rút hoặc vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể chưa từng bị nhiễm bệnh, kích thích cơ thể sản sinh ra hệ miễn dịch chủ động chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Chích ngừa vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Đặc biệt, trẻ nhỏ và phụ nữ dự định có thai hoặc đang mang thai là những đối tượng cần được bảo vệ bằng vắc xin nhất, bởi hệ miễn dịch dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao tạo thành dịch trong cộng đồng.  

 

Trẻ được chích ngừa đầy đủ và đúng lịch không chỉ tạo sức đề kháng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm thường gặp hoặc một số bệnh ít gặp nhưng để lại di chứng nặng nề mà còn tránh nguy cơ suy dinh dưỡng, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai nên có kế hoạch chích ngừa vắc xin để phòng ngừa các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Điều đó cũng ý nghĩa quan trọng đối với trẻ trong những tháng đầu đời. Trẻ được bảo vệ nhờ hệ thống kháng thể của mẹ trong thai kỳ. Khi trẻ sinh ra không có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc lây bệnh từ mẹ, thậm chí mẹ không bị dọa sảy thai hoặc sinh non. Bên cạnh việc phòng bệnh hiệu quả thì chi phí dành cho chích ngừa vắc xin thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị và chăm sóc y tế.

 

Hãy xem chích ngừa vắc-xin không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi các nhân, gia đình mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. 

 

Một số hình ảnh được ghi lại trong chương trình tập huấn An toàn tiêm chủng năm 2018:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CN. Bạch Văn Nghiệp

Tổ trưởng Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện An Sinh