Kiến thức y học

Thông tin: Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)

Cập nhật lúc: 9:55:03 SA - 15/09/2018

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh khá phổ biến và ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Dù là bệnh thường gặp nhưng cũng nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng và điều trị dứt điểm. Bệnh có thể gây ra những hậu quả và biến chứng khó lường.


(Ảnh minh họa)


Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) là hiện tượng thức ăn và các chất chứa trong dạ dày như axit, men tiêu hóa, hơi… không nằm yên trong dạ dày mà sôi sục từng đợt hoặc thường xuyên lên thực quản, có khi lên tới miệng làm các tổn thương thực quản, hầu, họng.

 

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến trào ngược dạ dày - thực quản:

  • Trào ngược dạ dày - thực quản xảy ra khi các cơ chế chống trào ngược tại chỗ nối giữa thực quản và dạ dày không hoạt động tốt.
  • Stress cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến của hiện tượng trào ngược dạ dày.
  • Thói quen ăn uống và phương cách sống không khoa học.

 

  

Những dấu hiệu chẩn đoán trào ngược dạ dày - thực quản:

  • Ợ nóng: Cảm giác nóng rát trong lòng ngực (ợ nóng), lan từ thượng vị dọc lên đằng sau xương ức, đôi khi lan sang cổ họng hoặc lên tận mang tai và kèm vị chua trong miệng.
  • Đau, tức ngực: Triệu chứng dễ gây nhầm lẫn đối với bệnh tim mạch. Biểu hiện đau, tức ngực như chèn ép, thắt ở ngực, lan ra vùng lưng và cánh tay.
  • Nhiều nước bọt: Khi bị trào ngược dạ dày, nước bọt sẽ được tiết ra nhiều hơn so với bình thường.
  • Khàn giọng, đau họng, ho đêm: Đây cũng là triệu chứng gây nhầm lẫn với viêm họng đơn thuần. Khi thấy đau họng kéo dài không hết thì hãy nghĩ đến dấu hiệu của trào ngược dạ dày.
  • Khó nuốt, nuốt vướng, cảm giác có khối u trong cổ họng: Triệu chứng của trào ngược họng thanh quản, một biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản, cùng với đau họng và khàn giọng.
  • Đắng miệng: do axít và dịch mật trào ngược lên cổ họng, một số trường hợp có thể gây nghẹt thở.
  • Buồn nôn: ở một số người sẽ có hiện tượng buồn nôn và nôn sau ăn hoặc buổi sáng khi đánh răng. 

 

 

Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản:

Thừa cân béo phì, thoát vị, mang thai, hút thuốc lá, khô miệng, hen suyễn, bệnh tiểu đường, chậm tiêu hóa của dạ dày, rối loạn mô liên kết rối loạn chẳng hạn như xơ cứng bì, hội chứng Zollinger - Ellison.

 

 

Những biến chứng có thể xảy ra trào ngược dạ dày - thực quản:

  • Trào ngược dạ dày thực quản gây ra các biển chứng có thể thấy ngay ở đường tiêu hóa, mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản và hệ thống hô hấp.
  • Viêm hệ thống hô hấp, viêm thực quản.
  • Xuất huyết thực quản, hoặc loét do viêm thực quản mãn tính hoặc nặng.
  • Sẹo thực quản, có thể khiến thực quản bị thu hẹp và nuốt khó hơn.
  • Sâu răng hoặc mòn răng.
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ.
  • Các vấn đề về hô hấp: như ho, khàn giọng, thở khò khè, viêm phế quản mãn tính, viêm thanh quản mãn tính, và viêm phổi.
  • Barrett thực quản: tỷ lệ biến chứng này rất nhỏ nhưng là dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản).
  • Ung thư thực quản: một bệnh rất hiếm gặp lại có khả năng gây tử vong cao.

 

 

Chế độ dinh dưỡng khi có dấu hiệu trào ngược dạ dày - thực quản:

Dinh dưỡng và lối sống là những yếu tố quan trọng trong việc điều trị trào ngược dạ dày. Nghiên cứu đã chứng minh, có một số thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược, thực phẩm gây ra hiện tượng trào ngược và có những thực phẩm giúp cải thiện tình trạng trào ngược. 

  • Thực phẩm làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược: Thịt đỏ giàu cholesterol và axít béo; thực phẩm giàu chất béo, giàu canxi, các sản phẩm từ chế xuất từ sữa và  sử dụng lượng muối cao.
  • Tránh những thực phẩm có thể gây trào ngược: sôcôla, thảo dược, gia vị chứa tinh dầu (bạc hà), đồ uống có ga, đồ uống có tính axít như nước chanh, nước cam, cà phê, thực phẩm có tính axít. Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Những thực phẩm giúp cải thiện tình trạng trào ngược: cá ngừ, cá hồi, hạt điều, hạt hạnh nhân, đậu (những thực phẩm cung cấp protein chứa ít cholesterol), ngũ cốc, dâu, táo, dưa hấu, đào, trứng và thực phẩm giàu chất xơ. 

 

Thay đổi lối sống lành mạnh là điều cần thiết để phòng tránh bệnh trào ngược dà dày. Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây trào ngược dạ dày - thực quản. Duy trì cân nặng hợp lý, vận động thể chất thường xuyên, ăn ngủ đúng giờ và điều độ, không sử dụng rượu bia thuốc lá. Người bị trào ngược dạ dày được khuyến cáo là nên kê đầu cao khi ngủ, nhằm giúp nâng thực quản cao hơn dạ dày. Lưu ý: không xếp chồng nhiều gối lên nhau, vì như vậy chỉ phần đầu được nâng cao, thực quản vẫn nằm ngang với dạ dày.  

 

Bệnh viện An Sinh