Kiến thức y học

Phụ nữ có thai có thể tiêm vaccine phòng bệnh

Cập nhật lúc: 11:24:03 SA - 23/07/2018

Đối với phụ nữ có thai, tùy theo từng trường hợp có thể xem xét để được chỉ định bảo vệ bằng những loại vaccine cần thiết.



 

 

Về mặt lý thuyết, việc sử dụng các loại vaccine phòng bệnh được chống chỉ định dùng đối với những người phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, nhưng trên thực tế, các nhà khoa học cũng không có đủ những bằng chứng thuyết phục về việc chống chỉ định sử dụng các loại vaccine chuẩn. Vì vậy đối với phụ nữ có thai, tùy theo từng trường hợp có thể xem xét để được chỉ định bảo vệ bằng những loại vaccine cần thiết.

Thực tế, các nhà khoa học đã ghi nhận, ngoại trừ vaccine phòng bệnh đậu mùa và những loại vaccine có thể gây sốt cao, không có bằng chứng nào thuyết phục, đủ cơ sở khoa học để chứng minh các loại vaccine phòng bệnh có hại đối với thai nhi trong thời kỳ thai nghén của người phụ nữ. 

Và cũng trên thực tế, những người phụ nữ khi mang thai sẽ có các yếu tố nguy cơ khá rõ rệt về khả năng bị nhiễm khuẩn và mắc một số bệnh phổ biến; vì vậy đối với những trường hợp này cần xem xét để sử dụng một số loại vaccine phòng bệnh phù hợp.

Các nhà khoa học khuyến cáo, khi sử dụng một loại vaccine phòng bệnh nhưng chưa có kết quả nghiên cứu rõ ràng cụ thể của vaccine đối với vấn đề thai nghén thì tốt nhất là không nên dùng. 

Cần lưu ý rằng, phản ứng sốt sau khi tiêm vaccine có thể ảnh hưởng đến tình trạng thai nghén trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ. Do đó các cơ sở y tế dự phòng đã thận trọng không tiêm vaccine phòng bệnh cúm cho những người phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu. 

Có 6 loại vaccine và globulin có thể sử dụng cho người phụ nữ mang thai để phòng một số bệnh như phòng bệnh rubella và phòng bệnh phối hợp sởi-quai bị-rubella (MMR), phòng bệnh uốn ván, phòng bệnh bại liệt, phòng bệnh sốt vàng, phòng bệnh viêm gan B, globulin miễn dịch.

Đối với vaccine phòng bệnh rubella và phòng bệnh phối hợp sởi-quai bị-rubella (MMR), mặc dù trên thực tế có loại vaccine rubella sống giảm độc lực có thể gây ra các bất thường về thai nghén nhưng không có bằng chứng cụ thể khẳng định vấn đề này nên vẫn có thể tiêm được cho phụ nữ có thai nếu người đó có nguy cơ bị phơi nhiễm.

Đối với vaccine phòng bệnh uốn ván, nếu người phụ nữ mang thai đã được tiêm vaccine này trước đó 10 năm thì nên tiêm nhắc lại một liều. Nếu người phụ nữ mang thai đã được tiêm chủng vaccine phòng bệnh uốn ván, nhưng không đầy đủ thì cần hoàn thành việc tiêm vaccine này trong thời kỳ đầu của thai nghén.

Đối với vaccine phòng bệnh bại liệt, loại vaccine bại liệt dạng uống nên được chỉ định dùng cho người phụ nữ mang thai nếu người đó có nguy cơ bị bệnh bại liệt và có thể thay thế bằng vaccine bại liệt bất hoạt IPV (Inactivated polyomyelitis vaccine) nếu tình trạng nhiễm trùng đã kết thúc trước khi người đó có nguy cơ bị phơi nhiễm.

Đối với vaccine phòng bệnh sốt vàng, nếu người phụ nữ mang thai đến du lịch ở những vùng có nguy cơ bị mắc bệnh sốt vàng thì nên sử dụng vaccine phòng bệnh sốt vàng.

Đối với vaccine phòng bệnh viêm gan B, tất cả các phụ nữ mang thai có nguy cơ bị nhiễm bệnh viêm gan B đều được chỉ định tiêm phòng loại vaccine này.

Đối với globulin miễn dịch, các nhà khoa học chưa biết rõ nguy cơ đối với thai nhi với miễn dịch bị động và globulin miễn dịch đối với thai nhi.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)