Tin tức và sự kiện

Người Việt Nam tiêu thụ đường cao gần gấp đôi so với khuyến cáo

Cập nhật lúc: 3:09:32 CH - 22/06/2018

Hiện nay, trung bình 1 người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ (là dưới 25g/ngày) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).


Người Việt Nam tiêu thụ đường cao gần gấp đôi so với khuyến cáo. (Nguồn: Beverage Daily)

 

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm” do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 22/6, tại Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý với nhiều muối và sản phẩm có đường, chất béo bão hòa, ăn ít rau và trái cây, thiếu hoạt động thể lực là những yếu tố làm tăng các bệnh không lây nhiễm hiện nay. Trong đó, mức tiêu thụ đồ uống có đường đang ngày càng gia tăng, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Đồ uống có đường được sản xuất ở qui mô công nghiệp với nhiều sản phẩm đa dạng và được trẻ em yêu thích. Đồ uống có đường có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn, nhất là các đồ nướng, rán.

Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy, đồ uống có đường sẽ làm dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, loãng xương... 

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân - béo phì đang gia tăng nhanh. Cụ thể là: tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân - béo phì chiếm khoảng 25% dân số; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% (năm 2000) lên 5,3% (năm 2015). Bên cạnh đó, theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau 10 năm (2002 - 2012), tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tăng trên 2 lần (từ 2,7% lên 5,4%). Việc chăm sóc và điều trị những người mắc bệnh này suốt đời sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế. 

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Đồ uống có đường là nguồn đường chính trong khẩu phần ăn và việc tiêu thụ này đang ngày càng gia tăng ở hầu hết các nước, đặc biệt ở trẻ em. Hầu hết đồ uống có đường không có giá trị dinh dưỡng và khuyến thích việc tiêu thụ thực phẩm quá mức do không tạo cảm giác no.

Trong 1 ngày nếu 1 trẻ uống 1 lon hoặc chai đồ uống có đường thì đã tiêu thụ lượng đường tự do vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều (1 lon nước ngọt phổ biến hiện nay có khoảng 36g đường tự do). Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, lượng đường tự do (bao gồm các loại đường đôi, đường đơn được bổ sung vào thực phẩm và đồ uống hoặc đường tự nhiên có trong mật ong, xi - rô, nước ép trái cây, nước trái cây cô đặc...) trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống 5% năng lượng trong một ngày (tương đương khoảng 25g đường tự do hoặc khoảng 6 muỗng cà phê) để có lợi cho sức khỏe... 

Để hạn chế ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của đồ uống có đường, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị: Các quốc gia cần truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để sử dụng đồ uống có đường ở mức vừa phải. Các quốc gia cần kiểm soát quảng cáo các sản phẩm này cho trẻ em, học sinh, đặc biệt trong trường học; khuyến khích các nhà sản xuất tham gia thực hiện dán nhãn nhận biết các sản phẩm có lợi cho sức khỏe để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm yêu thích với số lượng phù hợp; tăng thuế nhằm tăng thu ngân sách và hạn chế lạm dụng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng... 

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng thừa cân - béo phì tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc kiểm soát đồ uống có đường; sử dụng công cụ tài chính nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam.../. 

 

Nguồn tin từ: TTXVN/ Vietnamplus Online