Tin tức và sự kiện

Đột quỵ cướp đi sinh mạng 100.000 người Việt một năm

Cập nhật lúc: 3:04:20 CH - 02/09/2018

Ước tính của Hội Can thiệp Thần kinh và Mạch máu não TP HCM, mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, 50% số này tử vong.



 

Theo bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh và Mạch máu não TP HCM, 50% người Việt Nam bị đột quỵ được cứu mỗi năm thì cũng phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. Còn Hội Đột quỵ Mỹ thống kê, cứ 45 giây trên thế giới có ít nhất một người bị đột quỵ. Ba phút trôi qua, thế giới có một người tử vong do bệnh này. Mức độ nguy hiểm của đột quỵ xếp thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong và tàn tật, sau bệnh ung thư và tim mạch.

So với các nước phát triển, tỷ lệ người Việt bị đột quỵ hàng năm khá cao. Nguyên nhân được các bác sĩ lý giải là do người Việt chưa ý thức đến chất lượng ăn uống, môi trường sống kém, mức độ quan tâm xã hội về bệnh chưa cao. Người Việt cũng ít vận động, sử dụng rượu bia, thuốc lá nhiều, hệ thống tầm soát bệnh còn thấp. 

Bác sĩ Cường cho hay, tuổi càng nhiều thì nguy cơ đột quỵ càng cao, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ, yếu tố chủng tộc, di truyền... Ở người Việt, nguyên nhân phổ biến gây bệnh gồm:

- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ đột quỵ não hàng đầu, chiếm trên 70% bệnh nhân. Huyết áp tăng cao làm tổn thương thành mạch máu, tạo các điểm yếu ở thành mạch. Các điểm yếu bị tổn thương tiến triển nặng dần theo thời gian và đến một lúc nào đó vỡ ra gây đột quỵ xuất huyết não.

- Tiểu đường: Đây là nguyên nhân gián tiếp. Tiểu đường gây tổn thương toàn bộ hệ thống động mạch kể cả động mạch não. 

- Rối loạn lipid máu: Hàm lượng lipid trong máu quá cao là điều kiện thuận lợi để lipid ngấm vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng vữa xơ động mạch.

- Xơ vữa động mạch: Mảng vữa xơ trong lòng động mạch làm chít hẹp dần lòng mạch, có thể gây tắc mạch. Nhiều trường hợp mảng vữa xơ bong ra, trôi theo dòng máu đến làm tắc ở vị trí mạch máu khác. Vì vậy cần điều trị ổn định mảng vữa.

- Béo phì: Béo phì là yếu tố thuận lợi gây tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu. Tất cả yếu tố này kết hợp lại làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.

- Hút thuốc lá làm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, đột quỵ.

- Uống rượu nhiều làm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong một thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu.

Bác sĩ Cường nhấn mạnh, đột quỵ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như tàn phế, hôn mê sâu, sống thực vật, thậm chí tử vong. 30% người bị đột quỵ sống thực vật, là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Khi bị đột quỵ, mỗi phút trôi qua là gần hai triệu tế bào não sẽ mất đi, do đó người bệnh phải được cấp cứu, xử trí đúng cách. Tuyệt đối không nên nặn chanh vào miệng của bệnh nhân vì có thể làm tắc nghẽn đường thở. Uống thuốc dân gian có thể làm tình trạng tắc nghẽn mạch máu nặng hơn; hoặc cho bệnh nhân ngửi một số loại hương liệu để tỉnh lại nhưng vô tình gây ra chứng viêm phổi hít. 

Dấu hiệu thông thường của đột quỵ là tự nhiên tê yếu tay chân thoáng qua, nhất là cùng một bên với cơ thể; nói khó, nuốt sặc, méo miệng, tự nhiên mờ mắt, choáng váng, không kiểm soát được cơ thể, mất ý thức thoáng qua, tự nhiên đau đầu dữ dội không giải thích được. Các triệu chứng trên có thể chỉ diễn ra trong vài giây, vài phút sau trở lại bình thường và sau đó tái phát nhiều lần. 

Mốc thời gian cấp cứu đột quỵ tốt nhất là 6 giờ kể từ khi có dấu hiệu. Đến 97% bệnh nhân đến bệnh viện muộn sau 6 giờ phát bệnh, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị. Trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não, có thể can thiệp nội mạch cầm máu, loại bỏ dị dạng mạch máu. Bệnh nhân bị nhồi máu não, vào viện thời gian trước 4 giờ rưỡi, trường hợp tắc động mạch nhỏ sẽ được bác sĩ bơm thuốc tan máu đông để tái thông lại mạch máu bị tắc. Sau khi phát bệnh 6 giờ hoặc tắc động mạch lớn, bệnh nhân được can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông. 50% bệnh nhân đột quỵ sẽ có tái phát.

Bác sĩ Cường khuyến cáo, không nên tự ý dùng thuốc đặc trị làm tan cục máu đông khi chưa có chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ, vì sẽ bị tăng nguy cơ xuất huyết hoặc tử vong do biến chứng xuất huyết. 

"Tầm soát bệnh sẽ không hiệu quả bằng việc giữ gìn sức khỏe hàng ngày để giảm nguy cơ đột quỵ. Cần bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, chống béo phì, chế độ ăn uống lành mạnh, điều trị tốt các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường", bác sĩ Cường cho hay. 


Cao Khẩm