Tin tức và sự kiện

Sốt “khóc ra máu”: Sốt xuất huyết Crimean-Congo

Cập nhật lúc: 4:53:29 CH - 30/01/2018

Đầu năm 2018 này, Bộ Y tế Uganda và Tổ chức Y tế Thế giới WHO thông báo đã có bùng phát của hai bệnh sốt xuất huyết do virus. Trong đó có 4 trường hợp Sốt xuất huyết Crimean-Congo CCHF, Sốt “khóc ra máu”, và đã tử vong.


Ảnh minh họa

 

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng căn bệnh Sốt “khóc ra máu” đang bùng phát ở Uganda này có thể lây nhiễm lan rộng khắp lục địa châu Phi giống như cuộc dịch bệnh Ebola.

 

Sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) là bệnh lây nhiễm virut đặc hữu ở châu Phi, Balkans, Trung Đông và nam Á. CCHF gây ra do nairovirus, họ bunyaviridae. CCHF thường gây vụ dịch địa phương với tỷ lệ tử vong cao khoảng 30%. Cũng như các bệnh sốt xuất huyết khác, Dengue hemorrhagic fever (DHF) hay Rift Valley Fever (RVF), Crimea-Congo fever cũng có biểu hiện xuất huyết da niêm mạc. Điểm đặc biệt của CCHF là có xuất huyết kết mạc mắt, “khóc ra máu”

 

Chu trình lây nhiễm bệnh

Virus CCHF sống ký sinh trên các động vật hoang dã và gia súc như trâu, bò, cừu và dê. Nhiều loài chim có khả năng kháng bệnh, nhưng đà điểu rất nhạy cảm và có tỷ lệ nhiễm bệnh cao các vùng dịch lưu hành, và có thể lây sang người.

Vectơ truyền virus CCHF chính là các loại ve, bọ thuộc chi hyalomma. Virus CCHF lây truyền cho người qua vết cắn hoặc qua tiếp xúc với máu, mô động vật khi giết mổ. Sự lây truyền từ người sang người có thể xảy ra do tiếp xúc gần gũi với máu, chất tiết, các cơ quan hoặc các chất dịch cơ thể người bị bệnh. Nhiễm trùng bệnh viện cũng có thể xảy ra do khử trùng thiết bị y tế không đúng cách, tái sử dụng kim và vật tư y tế nhiễm bẩn.

 

Dấu hiệu và triệu chứng

 

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào cách thức nhiễm virus: vết cắn côn trùng 1-3 ngày, tối đa là 9 ngày; tiếp xúc với máu hoặc mô bị nhiễm 5-6 ngày, tối đa là 13 ngày.

Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, sốt, đau cơ, chóng mặt, đau cổ, cứng khớp, đau lưng, nhức đầu, đau mắt và sợ ánh sáng. Có thể buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng và đau họng..Tiếp theo là sự thay đổi tâm thần kinh: sau 2-4 ngày đầu kích động, vật vã sẽ đến trạng thái buồn ngủ, trầm cảm…Bệnh có thể ói mửa, đau bụng hạ sườn phải với gan to.

Các dấu hiệu lâm sàng khác bao gồm nhịp tim nhanh, sưng hạch bạch huyết, phát ban xuất huyết ở da, niêm mạc miệng, họng…Bệnh thường có dấu suy đa tạng: gan, thận, hô hấp…

Tỷ lệ tử vong của CCHF khoảng 30%, chết xảy ra trong tuần thứ hai của bệnh. Ở những bệnh nhân hồi phục, thường bắt đầu sau khoảng 10-15 ngày.

 

Chẩn đoán

Sốt xuất huyết Crimea Congo dễ dàng chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm:

- Xét nghiệm ELISA (enzyme-linked immunosorbent assay)

- Phát hiện kháng nguyên

- Xét nghiệm trung hòa huyết thanh

- RT-PCR (reverse transcriptase polymerase chain reaction)

- Phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào.

 

Điều trị

Điều trị cơ bản là chăm sóc hỗ trợ chung với điều trị triệu chứng. Truyền dịch, thuốc hạ sốt, vitamin C…. là chính.

Có thể dùng thêm thuốc ức chế nhân lên của virus: ribavirin uống và tiêm tĩnh mạch đều có hiệu quả trong sốt “khóc ra máu”.

 

Kiểm soát và dự phòng

Cũng như sốt xuất huyết Dengue, bệnh Sốt “chảy máu mắt” cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Việc kiểm soát và phòng bệnh chỉ nhằm vào 2 mục đích: (1) Khống chế nguồn lây virus từ vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh từ vật nuôi như ve, bọ chét…và (2)Giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm virus vào con người như thuốc xua côn trùng, cách ly với vật nuôi, người mắc bệnh.

 

Đôi điều bàn luận

Cần phân biệt Sốt “khóc ra máu” với (1) Chảy máu mắt do các bệnh lý kết mạc, như viêm kết mạc dịch tể do adenovirus. Theo ThS, BS Trần Khánh Sâm, Khoa Kết giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương, chảy máu mắt là một triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) nặng. Trong trường hợp này kết mạc viêm cấp tính gây vỡ các mạch máu nhỏ, mao mạch gây nên hiện tượng chảy máu mắt, và (2) Chứng Haemolacria (nước mắt máu), trong đó bệnh nhân bị trào máu qua tuyến lệ ra ngoài. Nước mắt máu là triệu chứng của một số bệnh, như viêm kết mạc vi khuẩn, dãn tĩnh mạch nhãn cầu, khối u hay thương tổn tuyến lệ. Nước mắt máu cũng có thể gặp ở những thai phụ do rối loạn hóc môn, hay trong u nội mạc tử cung.

 

TS.BS Trần Bá Thoại | Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam