Kiến thức y học

​Thoái hóa khớp đang trẻ hóa

Cập nhật lúc: 9:02:40 SA - 06/07/2017

Thoái hóa khớp là một trong những bệnh khớp mạn tính thưởng gặp ở người cao tuổi, nhưng những năm gần đây bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ.


Cách phòng bệnh tốt nhất là cần thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. (Ành minh họa)

Người bị bệnh khớp có thể hạn chế về vận động, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

 

Thoái hóa khớp là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết...

 

NHẬN DIỆN THOÁI HÓA KHỚP

Thông thường, bệnh nhân có các biểu hiện đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương và cứng khớp (xảy ra theo định kỳ như khi vừa ngủ dậy hoặc đứng lên), sưng tấy tại một hoặc nhiều khớp, có tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp, càng vận động càng đau nhiều. Nếu có cảm giác nóng, đỏ và sưng tại các khớp nghĩa là thoái hóa khớp đi kèm một căn bệnh khác. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở những vị trí sau: 

- Cột sống cổ: biểu hiện bằng cảm giác đau mỏi ở phía sau gáy, lan đến cánh tay ở bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

- Cột sống thắt lưng: hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa, khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống chân, như có luồng điện chạy từ trên xuống.

 

Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy. Cơn đau diễn ra tối đa 30 phút thì giảm. Sau một thời gian, hiện tượng đau lưng sẽ kéo dài cả ngày, tăng lên khi làm việc nhiều, nặng và giảm dần lúc nghỉ ngơi.

- Ngón tay: thường do di truyền, tỷ lệ thoái hóa khớp ngón tay ở phụ nữ cao hơn đàn ông (đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh). Các cục bướu nhỏ, cứng xuất hiện tại điểm cuối của các đốt ngón tay, khiến ngón tay bị to và biến dạng, thô thiển, đôi khi kèm theo cơn đau.

- Khớp háng: người bệnh đi lại khó khăn ngay từ đầu vì khớp háng chịu sức nặng cơ thể nhiều nhất.

- Khớp gối: người bệnh ngồi xổm và đứng dậy hoặc lên xuống cầu thang rất khó khăn, nhiều khi phải níu vào một vật khác để đứng dậy; nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ khớp gối.

- Gai gót chân: bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót chân vào buổi sáng, lúc bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên. Sau khi đi được vài chục mét, cảm giác đau giảm nhiều, bệnh nhân đi đứng bình thường.

 

ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Hiện có hai phương pháp điều trị thoái hóa khớp là điều trị nội khoa và ngoại khoa. 

 

 

Phương pháp điều trị Nội khoa:

- Thuốc giảm đau, chống viêm

- Thuốc kích thích tế bào sụn

- Thuốc tăng chất nhầy của khớp

- Cấy ghép tế bào gốc

 

Ngoài dùng thuốc, bác sĩ còn áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như:

+ Chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, xung điện giảm đau.

+ Tập vận động kích thích tăng sinh chất nhờn, giúp cho sụn được tái tạo và làm cho khớp trở nên linh hoạt. Các bài tập phù hợp với bệnh nhân bị đau khớp như: đạp xe đạp tại chỗ, bơi lội, bài tập vận động khớp, tập dưỡng sinh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu tính năng nhờn vì chúng bổ sung rất nhiều các peptidoglycan (chất để tái tạo dịch khớp), như: chân, móng giò heo, gân bò... Các thực phẩm giàu khả năng chống oxy hóa, gồm: cà chua, gấc, bí ngô, cà rốt, rau cải, súp lơ, rau ngót... cũng rất có lợi vì nó giúp giảm tốc độ phá hủy của sụn khớp.

 

 

Phương pháp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)

Chỉ tiến hành khi điều trị nội khoa không có kết quả, tổn thương khớp quá nặng, có các biến chứng như liệt, teo cơ, rối loạn đại tiểu tiện...

Các kỹ thuật có thể:

- Nội soi khớp: cắt lọc, khoan kích thích tạo xương, cấy ghép tế bào sụn.

- Phẫu thuật thay khớp.

 

PHÒNG BỆNH THOÁI HÓA KHỚP

Cách phòng bệnh tốt nhất là cần thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động bằng cách: duy trì cân nặng hợp lý, tránh các tư thế: đứng lâu, ngồi vẹo lệch, không cân đối. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu.

Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 - 30 phút/ngày. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi như trứng, sữa, tôm, cua, lươn, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng...

Khi có những dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp. Đối với bệnh nhẹ đôi khi chỉ cần phương pháp vật lý trị liệu, còn bệnh nặng có thể phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định.

Tuyệt đối bệnh nhân không nên không tự ý sử dụng các thuốc giảm đau vì thuốc giảm đau có thể cắt cơn đau tức thì nhưng thực tế lại không chữa được bệnh, mà khiến bệnh tiến triển ngày càng thêm trầm trọng hơn.

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai | Ảnh: Internet