Lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân bằng, kiểm tra đường huyết thường xuyên và khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm là yếu tố tiên quyết trong việc quản lý tốt và phòng ngừa biến chứng do đái tháo đường (tiểu đường) gây ra.
Hầu hết các trường hợp được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường thông qua việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ có thực hiện xét nghiệm đường trong máu. Bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể, nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý khác, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng và chất lượng cuộc sống. Nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ sẽ giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường hiệu quả và an toàn ngay từ giai đoạn đầu tiên.
Đái tháo đường và chế độ ăn uống
Ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng của việc kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Trong một số trường hợp, điều chỉnh chế độ ăn uống không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp ổn định đường huyết.
Đái tháo đường típ 1
Lượng đường trong máu tăng hoặc giảm phụ thuộc vào loại thực phẩm chúng ta ăn. Thực phẩm càng nhiều tinh bột hoặc đường sẽ làm lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng. Bạn nên hạn chế lượng carbs trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp với thể trạng. Mục tiêu là cân bằng các chất protein, chất béo và carbs và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường típ 1.
Đái tháo đường típ 2
Thực phẩm không chỉ hỗ trợ tích cực trong việc kiểm soát lượng đường trong máu mà còn giúp cơ thể cân đối khỏe mạnh. Hàm lượng carbs là một phần quan trọng trong mỗi bữa ăn, đặc biệt với người đái tháo đường típ 2. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết lượng carbs hợp lý trong mỗi bữa ăn để giữ lượng đường trong máu luôn ổn định. Có thể chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Các loại thực phẩm lành mạnh cho người đái tháo đường típ 2 là rau xanh, trái cây tươi, củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein như thịt gia cầm, các loại cá và chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, các loại hạt, đậu.
Đái tháo đường thai kỳ
Chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng cho sức khỏe mang thai. Ưu tiên lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, thường xuyên theo dõi khẩu phần ăn và hạn chế tối đa lượng đường, muối trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Cơ thể người mẹ có thể cần một lượng đường lớn hơn nhu cầu để nuôi em bé đang lớn lên trong bụng nhưng không nên ăn quá nhiều. Đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu thực sự cần lời khuyên.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường
Dù không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc có nguy cơ cao bị đái tháo đường bạn cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đường huyết để chẩn đoán nguy cơ đái tháo đường gồm:
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Kiểm tra chỉ số đường huyết sau khi nhịn ăn khoảng 8 tiếng.
- Xét nghiệm HbA1C: Kiểm tra và xác định chỉ số đường huyết trong 3 tháng trước đó.
Phụ nữ đang mang thai, bác sĩ chỉ định chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ vào tuần 24 đến 28 của thai kỳ bằng cách kiểm tra chỉ số dung nạp đường huyết bằng đường uống hoặc xét nghiệm đường huyết lúc đói sau khi đã nhịn đói qua đêm khoảng từ 10 đến 14 tiếng.
Phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường típ 1 không thể phòng ngừa vì do hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một số nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường típ 2, chẳng hạn như yếu tố di truyền, bệnh sử gia đình, tuổi tác, cũng không nằm trong tầm kiểm soát.
Các yếu tố có thể kiểm soát và phòng ngừa bệnh đái tháo đường như thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, vận động thường xuyên và khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Nếu có nguy cơ cao đái tháo đường hãy chủ động thay đổi lối sống lành mạnh và tích cực hơn:
- Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
- Giảm lượng chất béo, tinh bột, đường, muối trong chế độ ăn uống hàng ngày.
- Tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc và nên chia thành bữa nhỏ.
- Nên giảm 7% trọng lượng cơ thể nếu bị thừa cân hoặc béo phì.
Đái tháo đường thai kỳ
Phụ nữ chưa từng được chẩn đoán đái tháo đường trước đó vẫn có thể mắc đái tháo đường thai kỳ. Hormone sản xuất bởi nhau thai có thể làm cho cơ thể đề kháng với insulin. Cũng có một số phụ nữ bị đái tháo đường trước khi mang thai.
Đái tháo đường thai kỳ có thể khỏi hẳn sau sinh nhưng cũng làm tăng nguy cơ trong lần mang thai tiếp theo. Theo Liên đoàn đái tháo đường thai kỳ, khoảng một nửa phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ tiến triển thành đái tháo đường típ 2 từ 5 đến 10 năm sau sinh.
Người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ cũng có thể dẫn đến các biến chứng cho trẻ sơ sinh chẳng hạn như vàng da hoặc các vấn đề về hô hấp.
Nếu được chẩn đoán đái tháo đường trước khi mang thai hoặc trong thai kỳ, bạn cần phải theo dõi kỹ lưỡng để ngăn ngừa các biến chứng.
Đái tháo đường ở trẻ em
Trẻ em có thể mắc cả đái tháo đường típ 1 và típ 2. Kiểm soát lượng đường trong máu đặc biệt quan trọng ở những người trẻ tuổi, bởi bệnh có thể gây tổn thương đến các cơ quan trọng của cơ thể như tim và thận.
Đái tháo đường típ 1
Đây là dạng tự miễn của bệnh đái tháo đường thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Một trong những triệu chứng chính là đi tiểu nhiều. Trẻ em bị đái tháo đường típ 1 có thể thường xuyên đái dầm sau khi đã được tập cho đi vệ sinh. Khát nước quá mức, mệt mỏi và nhanh đói cũng là dấu hiệu tương tự như người lớn. Điều quan trọng là trẻ cần được thăm khám phát hiện sớm và điều trị nguy cơ đái tháo đường típ 1 ngay lập tức. Vì điều này có thể gây ra lượng đường trong máu tăng cao và làm cơ thể mất nước.
Đái tháo đường típ 2
Nếu đái tháo đường típ 1 còn được gọi là “đái tháo đường vị thành niên” thì đái tháo đường típ 2 rất hiếm gặp ở trẻ. Hiện nay, đái tháo đường típ 2 đang trở nên phổ biến ở nhóm tuổi này vì ngày càng có nhiều trẻ bị thừa cân hoặc béo phì. Theo Mayo Clinic, khoảng 40% trẻ mắc đái tháo đường típ 2 không có triệu chứng. Bệnh thường được chẩn đoán khi đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Đái tháo đường típ 2 không được điều trị có thể gây ra các biến chứng suốt đời, bao gồm bệnh tim, thận và mắt. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp trẻ kiểm soát lượng đường trong máu và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường típ 1 và típ 2 không thể kiểm soát được. Nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh, tăng cường thể chất và giữ cân nặng hợp lý. Đừng ngại hỏi ý kiến bác sĩ những nguy cơ tiềm ẩn của bệnh đái tháo đường có thể gặp phải để được tư vấn và hướng dẫn kiểm tra lượng đường trong máu.
Bệnh đái tháo đường không có cách chữa khỏi hẳn hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát tốt, sống khỏe mạnh và hạnh phúc bằng cách luôn duy trì lối sống lành mạnh, tích cực vận động thể chất, chế độ ăn uống cân bằng các nhóm chất thiết yếu và điều quan trọng nhất là không bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm, mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm một lần.
Bệnh viện An Sinh