Kiến thức y học

Vì sao cholesterol cần thiết cho cơ thể?

Cập nhật lúc: 11:40:13 SA - 03/07/2020

Cholesterol thường được biết đến là không có lợi cho sức khỏe nhưng ít ai biết rằng cholesterol thực sự cần thiết cho việc duy trì sự sống của con người. Điều đáng ngạc nhiên là cholesterol có thể sản xuất một cách tự nhiên trong cơ thể...

 

 



 

Cholesterol thường được biết đến là không có lợi cho sức khỏe nhưng ít ai biết rằng cholesterol thực sự cần thiết cho việc duy trì sự sống của con người.

 

Điều đáng ngạc nhiên là cholesterol có thể sản xuất một cách tự nhiên trong cơ thể. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả đều tốt. Đó là một vấn đề khá phức tạp và đáng để bạn quan tâm.

 

 

Choresterol là gì?

 

Cholesterol là một chất được tạo ra trong gan, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Cơ thể hấp thu cholesterol thông qua thực phẩm. Cholesterol không có trong thực vật mà chỉ có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt và sữa.

 

Trong cơ thể, cholesterol đóng có 3 vai trò chính: 

  • Hỗ trợ trong việc sản xuất hormone giới tính
  • Nguyên liệu cho quá trình sản xuất các mô tế bào
  • Hỗ trợ trong quá trình bài tiết mật trong gan

 

Đây là 3 chức năng rất quan trọng, tất cả đều phụ thuộc vào sự hiện diện của cholesterol. Nhưng khi cholesterol tăng cao cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh tim mạch. 

 

LDL cholesterol và HDL cholesterol 

Cholesterol là một chất không tan trong nước và cần gắn với một chất khác để có thể vận chuyển trong máu, chất đó là lipoprotein. Lipoprotein gồm hai loại chính là LDL và HDL. 

Khi nói về cholesterol, trong y khoa thường sử dụng thuật ngữ LDL và HDL. Cả hai đều là lipoprotein, là những hợp chất sản xuất từ chất béo và protein, chịu trách nhiệm vận chuyển cholesterol trong máu đi khắp cơ thể. Lipoprotein gồm có 2 loại chính là LDL và HDL. 

LDL là lipoprotein mật độ thấp, thường được xem là cholesterol “xấu”. 

HDL là lipoprotein mật độ cao, thường được xem là cholesterol “tốt”.  

 

 

Tại sao LDL là cholesterol xấu? 

 

LDL là cholesterol xấu bởi nồng độ LDL cholesterol quá cao, theo thời gian, tích tụ lại trong thành mạch máu có thể gây ra hiện tượng xơ vữa động mạch. 

 

Theo Hiệp hội Tim mạch (AHA), LDL cholesterol dẫn tới hình thành các mảng xơ vữa trên thành mạch. Khi các mảng xơ vữa tích tụ tăng dần, có thể gây ra 2 vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe: (1) Lòng mạch máu bị hẹp lại, làm hạn chế lưu thông của dòng máu, (2) Cục máu đông sẽ được hình thành, trôi theo dòng máu, có thể gây ra nghẽn mạch và dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. 

 

Chỉ số LDL cholesterol cần duy trì ở mức càng thấp càng tốt, tối ưu nhất là dưới 100 mg/dL. 

 

Tại sao HDL là cholesterol tốt?

HDL giúp duy trì hệ thống tim mạch khỏe mạnh và hỗ trợ đắc lực trong quá trình loại bỏ LDL ra khỏi mạch máu. HDL đưa LDL trở lại gan để phân giải và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.

 

Nồng độ HDL cholesterol cao đã được chứng minh giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim và đột quỵ, trong khi HDL thấp sẽ làm tăng các nguy cơ trên. 

 

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), HDL cần duy trì ở mức lý tưởng từ 60 mg/dL trở lên. Nếu HDL xuống dưới 40mg/dL sẽ trở thành yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

 

Cholesterol toàn phần mục tiêu

Khi kiểm tra nồng độ cholesterol, kết quả sẽ thể hiện rõ các chỉ số của HDL, LDL và thêm 2 chỉ số quan trọng nữa là cholesterol toàn phần và triglyceride. 

 

Nồng độ cholesterol toàn phần lý tưởng là ở mức thấp hơn 200 mg/dL, nếu trong khoảng 200 - 239 mg/dL là mức giới hạn và trên 240 mg/dL được xem là cao. 

 

Triglyceride là một loại chất béo khác có trong máu. Tương tự như cholesterol, nếu nồng độ triglyceride quá cao cũng sẽ không tốt cho sức khỏe. Triglyceride cao thường đi kèm cholesterol cao và có mối quan hệ mật thiết với việc tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. 

 

Bác sĩ thường cân nhắc tầm quan trọng của lượng triglyceride so với các chỉ số khác như tình trạng béo phì, mức cholesterol và các chỉ số kiểm tra sức khỏe khác.

 

 

Hãy duy trì nồng độ cholesterol ở mức tối ưu

Nồng độ cholesterol bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và một số yếu tố có thể kiểm soát được.

Lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học là phương cách tốt nhất để duy trì nồng độ cholesterol ở mức tối ưu.

Những thực phẩm chứa ít cholesterol và chất béo bão hòa, tích cực tập luyện thể thao và hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lí, tránh căng thẳng kéo dài… đều góp phần giữ cho nồng độ cholesterol ở mức tối ưu cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. 

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo: Healthline.com)